Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 13/11 tuyên bố nước này hy vọng việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý, sẽ kết thúc trong ba năm tới, nhằm góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Ông Lý phát biểu trong cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN và đối tác ở Singapore trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33.
Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Maria Ortuoste, Đại học bang California, Mỹ, dự đoán Trung Quốc tin rằng mình đang đàm phán với ASEAN ở thế trên cơ.
Bà Ortuoste phân tích Trung Quốc đã thiết lập mối liên kết kinh tế mạnh mẽ với ASEAN và từng nước thành viên, từ đó có đủ năng lực dùng các đòn bẩy kinh tế đối với các quốc gia này. Chuyên gia này nhắc lại việc Trung Quốc từng hạn chế nhập khẩu chuối của Philippines năm 2012, ngăn du khách Trung Quốc đến Manila. Các biện pháp đó đã tác động tiêu cực đến kinh tế của Philippines.
Cũng trong 2012, dưới tác động của Trung Quốc, nước chủ tịch ASEAN khi đó là Campuchia đã loại bỏ vấn đề tranh chấp Biển Đông, khiến Hiệp hội không ra được tuyên bố chung. Trong Tuyên bố chủ tịch ASEAN năm 2018, Campuchia tiếp tục can thiệp để loại bỏ các nội dung liên quan đến tiến trình pháp lý và ngoại giao trong xử lý vấn đề Biển Đông.
Theo Ortuoste, trên thực địa, các bằng chứng của các tổ chức công bố cho thấy Trung Quốc đã trở thành một bên có sức mạnh quân sự thống trị ở khu vực. Bắc Kinh đã chiếm giữ Hoàng Sa và các thực thể ở Trường Sa, hiện đại hóa quân sự ở đây trên quy mô lớn. Với thế mạnh này, nếu cần Trung Quốc có thể đòi yêu sách của mình với khu vực đã chiếm giữ bằng cách ép buộc các bên khác.
"Trung Quốc đang có lợi thế cả về ngoại giao, kinh tế và quân sự với ASEAN, để có thể ngăn chặn những điều khoản có thể bất lợi cho Bắc Kinh", bà Ortuoste nói, cảnh báo Trung Quốc sẽ ngăn chặn ASEAN đưa ra quan điểm chung về dự thảo đơn nhất của COC.
Tiến sĩ Ortuoste nhận định việc Trung Quốc chọn thời hạn ba năm để hoàn tất COC không phải là ngẫu nhiên, mà có một số lý do chính.
Thứ nhất, năm 2021 là thời điểm tân tổng thống Mỹ sẽ nhậm chức, sau bầu cử năm 2020. Do đó, chính quyền Mỹ sẽ phải tập trung vào các vấn đề nội bộ hơn là quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Thứ hai, Tổng thống Philippines Duterte, người ưu tiên cải thiện quan hệ với Trung Quốc, sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào 2021 và tân tổng thống sẽ phải thể hiện quan điểm khác với ông Duterte. Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổ chức khảo sát xã hội (Social Weather Stations) của Philippines trong tháng 9 năm nay, có đến 84% người tham gia khảo sát không muốn từ bỏ yêu sách của Manila ở Biển Đông.
Thứ ba, 2021 là năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Việc đàm phán COC nhằm bảo đảm lợi ích của Bắc Kinh và gia tăng hình ảnh trên trường quốc tế sẽ giúp ích cho CCP và quyền lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nếu Bắc Kinh theo đuổi cơ hội địa chính trị này, trở thành một nhân tố quan trọng nhất trên thế giới vào 2021, thì đảng cầm quyền sẽ giành được sự ủng hộ lớn của người dân.
"Trung Quốc đưa ra thời hạn ba năm cho COC vì nó là một cách dễ dàng, không mất gì để tiếp tục trì hoãn đàm phán", Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá thêm.
Ông Poling dẫn bản thảo đơn nhất COC mà ASEAN và Trung Quốc thống nhất đầu năm nay, trong đó cho thấy hai bên chưa bắt đầu thảo luận về bất cứ vấn đề khúc mắc nào. Do đó, ông nhận định Bắc Kinh sẽ không sẵn lòng thỏa hiệp về bất cứ điều gì khi cảm thấy mình đang chiếm ưu thế ở Biển Đông.
Theo chuyên gia CSIS, mục đích của Trung Quốc là giữ cho ASEAN tiếp tục thảo luận, khiến các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông như Philippines và Việt Nam gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm các biện pháp khác trong đàm phán và phân xử tranh chấp. Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát ở các vùng biển và trên không, đến khi COC trở thành một vấn đề không còn quan trọng.
"Nếu Trung Quốc chưa cảm thấy mình kiểm soát được tình hình trong ba năm, họ sẽ trì hoãn tiếp việc hoàn thành COC", Poling nói.
Nêu lên các khuyến nghị cho ASEAN, nhà nghiên cứu người Philippines Ortuoste cho rằng các nước thành viên cần tránh bị Bắc Kinh lợi dụng sự bất đồng trong nội khối để chia rẽ. Các quốc gia cũng lưu ý không nên để mình "bị bắt nạt" mà đồng ý với các điều khoản của Trung Quốc.
Về phía Poling, ông cho rằng các nước liên quan ở ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Australia và châu Âu cần tăng cường áp lực ngoại giao về kinh tế với Trung Quốc nếu còn tiếp tục bắt nạt các nước khác và vi phạm luật pháp quốc tế.
"Cách duy nhất để thay đổi dự định của Trung Quốc là các nước cùng có yêu sách trong ASEAN cần hợp tác để thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh, tạo dựng một quan điểm chung trong đàm phán COC và yêu cầu Bắc Kinh thảo luận thực chất", Poling nói.
Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2002 ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Đến năm 2013, các bên khởi động đàm phán COC và thông qua thỏa thuận khung vào tháng 8/2017. Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) ở Singapore đầu tháng 8/2018, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được dự thảo văn bản đơn nhất về COC. Đây được coi là một tiến triển ở Biển Đông, hướng tới đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, giúp ngăn chặn tranh chấp leo thang trên Biển Đông. |
Khánh Lynh