Global Times, phụ bản của cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc People's Daily, cho biết nhà máy điện hạt nhân trên biển có thể "di chuyển" tới những khu vực hẻo lánh và cung cấp nguồn điện ổn định.
Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC), công ty chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên biển, "đang xúc tiến công việc", Liu Zhengguo, đứng đầu văn phòng tổng hợp CSIC, nói. "Nhà máy điện hạt nhân trên biển là một xu hướng đang phát triển. Số lượng nhà máy điện công ty sẽ xây còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường".
Ông Liu nhận định nhu cầu "khá lớn" nhưng không nêu cụ thể.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh coi thông tin trên chỉ là "câu chuyện truyền thông". "Tôi chưa nghe thấy ai nói về vấn đề liên quan", bà Hoa phát biểu.
Hồi tháng 1, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) cùng ký thỏa thuận khung về hợp tác chiến lược liên quan đến dầu mỏ ngoài khơi và năng lượng hạt nhân.
CGN đang phát triển một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ để sử dụng trên biển, tên gọi ACPR50S, để cung cấp điện cho hoạt động khai thác và sản xuất dầu mỏ, khí đốt ngoài khơi. CGN dự kiến bắt đầu xây dựng một dự án vào năm 2017.
Xu Dazhe, đứng đầu ủy ban an toàn nguyên tử Trung Quốc, trong tháng 1 phát biểu với báo giới rằng các nhà máy điện hạt nhân trên biển vẫn còn trong giai đoạn kế hoạch và nó sẽ phải trải qua "kiểm tra nghiêm ngặt".
Chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie cho biết các nhà máy điện hạt nhân có thể cung cấp điện cho hải đăng, cơ sở phòng thủ, sân bay và cầu cảng ở Biển Đông. "Bình thường, chúng tôi phải đốt dầu mỏ hoặc than để sản xuất điện", Li nói.
Theo Li, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên biển là rất quan trọng do điều kiện biển và thời tiết là thách thức đối với vận chuyển nhiên liệu tới quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Philippines. Nước này gần đây còn bồi đắp trái phép đảo nhân tạo và xây dựng các công trình phi pháp như trạm radar, hải đăng và đường băng trên các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc tại đây. Mọi hoạt động của các bên tại những khu vực này mà không có sự chấp thuận từ Việt Nam đều bất hợp pháp.
Như Tâm