Nhà chức trách đang lên kế hoạch về một "nhà máy điện nổi trên biển". Nhà máy này sẽ phải trải qua "thử nghiệm khoa học và nghiêm ngặt", AFP dẫn lời Xu Dazhe, chủ tịch Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc, hôm nay nói.
Theo Xu, Trung Quốc muốn "trở thành thành cường quốc trên biển" và "do đó, chắc chắn sẽ sử dụng hữu ích các nguồn tài nguyên đại dương". Tuy nhiên, trên thế giới hiện chưa có tiền lệ sử dụng năng lượng hạt nhân trên biển cho mục đích dân sự.
Bắc Kinh đưa việc phát triển hai nhà máy điện hạt nhân trên biển, do Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) và Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) xây dựng, vào kế hoạch 5 năm lần thứ 13, giai đoạn 2016 - 2020, hai công ty trên thông báo hồi đầu tháng.
Nhà máy do CNNC và CGN xây dự kiến bắt đầu hoạt động lần lượt vào năm 2019 và 2020. Chúng có thể cung cấp năng lượng cho các giàn khoan xa bờ, góp phần phát triển đảo cùng các khu vực hẻo lánh.
Trung Quốc hiện có 30 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, tạo ra 28,3 GW điện, Xu nói. 24 lò phản ứng có khả năng tạo ra 26,7 GW điện đang trong quá trình xây dựng.
Trung Quốc từng tuyên bố mục tiêu tăng lượng điện hạt nhân tạo ra lên 58 GW vào năm 2020. Nước này tạm ngừng thông qua xây dựng các nhà máy mới sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, tháng 3/2011, và tiếp tục vào năm 2012, bỏ qua lời cảnh báo từ Bộ Môi trường Trung Quốc về điều kiện an toàn hạt nhân "chưa tối ưu".
Như Tâm