Trung Quốc gần đây giảm phí và đơn giản hóa thủ tục xin thị thực đối với doanh nhân và khách du lịch nước ngoài. Họ cũng tăng ưu đãi về thuế để thuyết phục người nước ngoài rằng cuộc sống ở Trung Quốc đang trở nên dễ dàng hơn.
Thủ tướng Lý Cường cam kết sẽ có những động thái tiếp theo để xây dựng lại thương hiệu "Trung Quốc - điểm đến đầu tư" tại kỳ họp thường niên của quốc hội nước này hồi đầu tháng.
Chiến dịch thu hút ngoại kiều đánh dấu nỗ lực xây lại những "cây cầu quan hệ" kết nối với thế giới đã giúp Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc đã áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, chặt đứt những "cây cầu" này trong thời kỳ Covid-19 bùng phát nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan.
Bắc Kinh giờ đây cố gắng lấy lại sức hấp dẫn đối với người nước ngoài trong bối cảnh mới, với nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đáng kể dù đã mở cửa hoàn toàn sau đại dịch. Nhưng họ cũng đối mặt với hoàn cảnh rất khác trong quan hệ quốc tế.
Tại Washington, những lời kêu gọi cảnh giác trong mối quan hệ với Bắc Kinh vẫn thường xuyên được nhắc lại. Những tranh cãi giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây với Trung Quốc về nguồn gốc Covid-19 và hàng loạt vấn đề khác càng khiến nhiều người phải cân nhắc lại lựa chọn của mình.
Một giám đốc người Mỹ cho biết vào giữa năm 2023, một nhóm cảnh sát Trung Quốc đến nhà ông ở Bắc Kinh, yêu cầu kiểm tra hộ chiếu và giấy tờ chứng minh nơi làm việc của ông, trong khi một người ghi lại toàn bộ quá trình bằng điện thoại. Họ không đưa ra lý do nào cho cuộc kiểm tra và điều này khiến ông cảm thấy lo lắng.
"Sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục niềm tin đã mất trong những năm qua", ông nói.
Theo Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia, Trung Quốc đã cấp 711.000 giấy phép cư trú lâu dài cho người nước ngoài vào năm ngoái, giảm 15% so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Lượng khách lưu trú ngắn hạn giảm 2/3 trong cùng kỳ.
Mức độ nghiêm trọng của thách thức thể hiện rõ ràng ở Thượng Hải, trung tâm tài chính vốn thu hút rất nhiều người nước ngoài. Theo dữ liệu từ chính quyền Thượng Hải, số giấy phép lao động cấp mới cho người nước ngoài đã giảm xuống còn 50.000 vào năm 2022, từ mức khoảng 70.000 năm 2020.
Lệnh phong tỏa vì Covid-19 hai năm trước đã khiến nhiều người nước ngoài quyết định rời bỏ Thượng Hải. Giờ đây, thành phố vẫn phải vật lộn để khôi phục lại sức hút quốc tế của mình.
"Khi đến nhà hàng và trung tâm thương mại vào cuối tuần, tôi thường là người da trắng duy nhất", Graeme Allen, người Ireland, chủ một quán rượu trong thành phố, nói. Số lượng người nước ngoài đã giảm dần từ trước đại dịch, khi các công ty chuyển sang tuyển dụng lao động địa phương, nhưng lệnh phong tỏa do Covid-19 là "giọt nước tràn ly" đối với không ít người.
Allen và một số người dân thành phố cho hay lượng khách nước ngoài gần đây dường như đang tăng lên, trong đó có nhiều người đến tham dự các triển lãm quốc tế đã mở cửa trở lại ở Trung Quốc.
Một điểm nghẽn khác cũng được cho là sẽ giảm bớt khi đường bay khứ hồi của các hãng hàng không Trung Quốc tới Mỹ, vốn giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch, sẽ tăng từ 35 chuyến lên 50 chuyến mỗi tuần vào cuối tháng ba.
Tuy nhiên, chúng vẫn chỉ là một phần nhỏ so với số lượng chuyến bay trước năm 2020 và không thể giải quyết được những vấn đề cơ bản khiến người nước ngoài không còn mặn mà với Trung Quốc, giới chuyên gia nhận định.
Xu hướng này đánh dấu sự đảo ngược hoàn toàn đối với Trung Quốc, quốc gia từng được cả thế giới coi là mảnh đất của cơ hội. 10 năm trước, các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải luôn nằm trong số những điểm đến phổ biến nhất thế giới với người nước ngoài.
Trong những năm kinh tế bùng nổ, sinh viên đổ xô đến các trường đại học Trung Quốc để học tiếng Quan Thoại, nhiều người ở lại để theo đuổi sự nghiệp, trở thành cầu nối cho các tập đoàn đa quốc gia đầy tham vọng. Nhưng giờ đây, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển sang đa dạng hóa hoạt động ngoài Trung Quốc.
"Nếu bạn là người nước ngoài có gia đình và muốn phát triển sự nghiệp, bạn không cần phải ở Trung Quốc nữa. Giờ đây, bạn có thể đến Đông Nam Á, Ấn Độ hoặc Trung Đông", Cameron Johnson, nhà tư vấn chuỗi cung ứng tại Thượng Hải, cho biết.
Người nước ngoài rời đi mang theo tiền của họ. Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng một cho hay dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước này đã giảm 8%, xuống còn khoảng 157 tỷ USD vào năm ngoái, mức giảm đầu tiên sau 10 năm. Trung Quốc ngày càng bị coi là điểm đến nhiều rủi ro với các doanh nghiệp nước ngoài.
"Ngày trước, Trung Quốc là nơi chuyện gì cũng có thể xảy ra", Sean Stein, cố vấn cấp cao tại bộ phận nghiên cứu chính sách công của công ty Covington & Burling, trụ sở tại Washington, chuyên tư vấn về rủi ro pháp lý, nói. "Bây giờ, mọi người không coi đó là một điểm tích cực nữa".
Chính quyền Trung Quốc gần đây đã tăng gấp đôi số tiền phạt đối với chi nhánh Bắc Kinh của công ty thẩm định Mintz Group, trụ sở ở New York. Nhân viên địa phương tại công ty này từng bị bắt trong một cuộc khám xét văn phòng vào năm ngoái. Sự việc làm dấy lên lo âu trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Chính phủ Trung Quốc cáo buộc Mintz tiến hành "các cuộc điều tra thống kê liên quan đến yếu tố nước ngoài" khi chưa được chấp thuận, song công ty bác bỏ.
Các nhà kinh tế cho rằng những giám đốc điều hành nước ngoài giúp mang đến nhiều kiến thức và kỹ năng tiên tiến mà Trung Quốc vẫn rất cần. Bên cạnh đó, vốn nước ngoài cũng như mức độ quan tâm của nhà đầu tư ngày càng trở nên quan trọng khi chính phủ nỗ lực khôi phục niềm tin vào nền kinh tế đất nước, vốn đang gặp khó khăn với tốc độ tăng trưởng chậm và thị trường bất động sản suy thoái.
Đối với những công ty đa quốc gia, việc không thể thuyết phục các giám đốc điều hành của họ đến Trung Quốc có thể gây ra tình trạng mất kết nối với trụ sở chính, đồng thời khiến họ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động hiệu quả.
Việc người nước ngoài không còn quan tâm tới Trung Quốc còn có thể làm cạn kiệt lực lượng giúp xây cầu nối giữa Bắc Kinh với thế giới, đồng thời làm sâu sắc thêm ngờ vực và hiểu lầm, giới phân tích lưu ý.
Dữ liệu về người nước ngoài sống hoặc đến thăm Trung Quốc hiện không rõ ràng. Lần cuối cùng chính phủ công bố số liệu chi tiết về cư dân nước ngoài định cư dài hạn là vào năm 2021.
Dù vậy, dữ liệu từ các nguồn khác cho thấy người nước ngoài từ một số nền kinh tế lớn nhất thế giới, những quốc gia có đầu tư đáng kể ở Trung Quốc, đã giảm dần trong những năm gần đây.
Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy vào năm 2023, số lượng người Hàn Quốc đăng ký lưu trú ở nước này đã giảm 30% so với năm 2019, xuống còn 216.000. Công dân Nhật Bản đã đăng ký lưu trú tại Trung Quốc đã giảm 13% trong cùng kỳ xuống còn 102.000. Họ đều là những cộng đồng người nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc.
Theo ước tính từ Phòng Thương mại Anh, công dân nước này ở Trung Quốc đã giảm hơn một nửa từ mức trước đại dịch, xuống còn khoảng 16.000 người.
Người phát ngôn của đại sứ quán Mỹ cho biết nhu cầu gia hạn hộ chiếu cho người trưởng thành đến Trung Quốc cũng đã giảm mạnh so với mức trước đại dịch.
Chính phủ Mỹ đã đóng một vai trò lớn khiến sức hút của Trung Quốc đối với người nước ngoài giảm mạnh.
Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách "cân nhắc đi lại" kể từ tháng 3. Trong khi đó, mối quan hệ kinh doanh giữa Mỹ với Trung Quốc ngày càng bị quốc hội nước này giám sát chặt chẽ.
Trung Quốc đã bãi bỏ các yêu cầu về thị thực du lịch đối với 15 quốc gia, trong đó có Pháp và Đức, kể từ tháng 7/2023. Nước này cũng tuyên bố sẽ dỡ bỏ các rào cản thị trường đối với những công ty đa quốc gia và giảm bớt hạn chế đối với hoạt động lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới, một điểm khó khăn lớn đối với các công ty nước ngoài.
Minxin Pei, giáo sư về Trung Quốc và chính trị tại Đại học Claremont McKenna, đánh giá Bắc Kinh có thể làm chậm quá trình rạn nứt mối quan hệ với phương Tây bằng cách ổn định những căng thẳng địa chính trị, nhưng xu hướng tách rời kinh tế gần đây khiến việc ngăn chặn dòng người nước ngoài rời khỏi Trung Quốc gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
"Bạn phải rời đi nếu nhà cung cấp hay khách hàng chính của bạn rời đi", giáo sư Minxin nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Reuters, AFP)