Theo báo cáo của Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cuối ngày 3/6, giàn khoan Hải Dương 981 đang ở tọa độ 15 độ 33'26''N; 111 độ 34'11''E, dịch chuyển nhỏ so với vị trí neo đậu trước đó là 15 độ 33'38''N, 111 độ 34'62''E.
Theo đánh giá của các sĩ quan tàu cảnh sát biển 2016 trên báo Tuổi Trẻ, với những gì quan sát được trong nhiều ngày qua về dấu hiệu dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981, cùng với việc mở rộng tầm truy cản lên 18 hải lý, có thể trong khoảng hai ngày nữa Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan đến một vị trí khác để tiếp tục thăm dò.
Hôm nay tại khu vực hạ đặt giàn khoan, Trung Quốc duy trì lực lượng gần 115 tàu, trong đó có gần 40 tàu hải cảnh; 30 tàu vận tải và tàu kéo; 45 tàu cá và 4 tàu quân sự (2 tàu quét mìn và 2 tàu hộ vệ tên lửa). Các tàu quân sự được Trung Quốc thả trôi ở khu vực cách giàn khoan khoảng 18-25 hải lý.
"Lực lượng kiểm ngư phát hiện hai máy bay trong đó có một máy bay cánh bằng và một máy bay quân sự KG 2000 hoạt động trinh sát trên khu vực giàn khoan", báo cáo của Cục Kiểm ngư cho biết.
Khi các tàu kiểm ngư tiến vào cách giàn khoan 7-8 hải lý, các tàu Trung Quốc tổ chức thành nhóm 35-45 tàu ngăn cản quyết liệt. Tuy nhiên lực lượng kiểm ngư vẫn kiên trì bám trụ và tổ chức hoạt động đấu tranh với cường độ cao.
Các tàu cá của Việt Nam tiếp tục tổ chức đánh bắt thủy sản và đấu tranh đòi ngư trường, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong khu vực tây nam, cách giàn khoan khoảng 18-20 hải lý. Trong quá trình hoạt động tàu cá Việt Nam thường xuyên chịu sự ngăn cản, uy hiếp của 35-40 tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc.
Liên quan đến tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm, chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa cho biết, nếu được Nhà nước hỗ trợ, bà kiên quyết kiện Trung Quốc ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại, cũng như đòi lại công bằng để ngư dân Việt Nam vững vàng bám biển.
Hương Thu