Trung Quốc tuần này thông báo thủy phi cơ đầu tiên được sản xuất trong nước AG600 đã hoàn tất một loạt thử nghiệm trên thực địa tại một hồ chứa ở tỉnh Hồ Bắc, theo SCMP.
AG600, hay Kunlong, có kích thước gần bằng một máy bay Boeing 737, dài 37 m, sải cánh 38,8 m và có thể đạt độ cao tới 4.500 km, có khả năng cất hạ cánh trong điều kiện sóng cao hai mét. Với khối lượng cất cánh tối đa 53,5 tấn, AG600 được đánh giá vượt qua cả thủy phi cơ ShinMaywa US-2 của Nhật Bản và Beriev Be-200 của Nga.
Được trang bị 4 động cơ turboprop, AG600 có thể chở theo 50 người trong các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, hút 12 tấn nước trong 20 giây để tham gia chữa cháy. Các công ty Trung Quốc và cơ quan chính phủ đã đặt 17 đơn hàng cho loại thủy phi cơ này, dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2022.
Máy bay được thiết kế cho các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn nhưng các nhà quan sát quân sự nhận định nó cũng có thể được sử dụng để vận chuyển binh sĩ, vật tư, thậm chí là thực hiện nhiệm vụ giám sát tại các tiền đồn Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Việc phát triển AG600 là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội và cũng là một cách tiếp cận "cơ bắp" hơn của Trung Quốc cho tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này tại Biển Đông. AG600 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái với hình ảnh nó cất cánh từ sân bay Chu Hải, một cửa ngõ ra Biển Đông, được phát trên truyền hình trung ương Trung Quốc.
Những hình ảnh vệ tinh được công bố hồi tháng 5 bởi Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á cho thấy Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 4 sân bay phù hợp với các máy bay quân sự trên đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa và đá Chữ thập, Vành khăn và Subi ở quần đảo Trường Sa, đều thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Các hình ảnh cũng cho thấy một máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc thực hiện cất cánh và hạ cánh trên đảo Phú Lâm, một máy bay vận tải Y-8 trên đá Subi, tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa tầm xa đất đối không HQ-9B ở đá Chữ thập, Vành khăn và Subi.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Huyền Lê