Theo Học viện Công nghệ Phương tiện Phóng Trung Quốc (CALVT), cuộc thử nghiệm diễn ra vào tuần trước trong một sứ mệnh triển khai nhóm vệ tinh viễn thám bằng tên lửa Trường Chinh 2C từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc.
Bài kiểm tra đã giải quyết được vấn đề về sự phân rã cấu trúc của lớp vỏ bảo vệ trọng tải của tên lửa, còn được gọi là mũi hình nón (payload fairing), trong quá trình ma sát với bầu khí quyển khi rơi trở lại Trái Đất. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc thu hồi thành công thiết bị bằng dù, đặt nền tảng vững chắc cho các cuộc hạ cánh có kiểm soát xuống địa điểm chính xác trong tương lai.
Tên lửa Trường Chinh 2C do CALVT phát triển, có chiều dài 43 m và khối lượng cất cánh 242 tấn. Lớp vỏ bảo vệ trọng tải của nó trong chuyến bay này được trang bị hệ thống dù và điều khiển điện, cho phép theo dõi trạng thái của quá trình tiếp đất trong thời gian thực.
Với công nghệ mới, khi mũi hình nón rơi xuống một độ cao nhất định và đáp ứng các điều kiện thích hợp, hệ thống dù đầu tiên sẽ mở ra để giảm tốc độ rơi. Sau đó, khi xuống một độ cao thấp hơn, nó sẽ loại bỏ hệ thống dù đầu tiên và triển khai dù lượn để giảm tốc lần thứ hai.
CALVT cho biết công nghệ này có thể thu hẹp 80% phạm vi tiếp đất của mũi hình nón so với rơi tự do, giúp cải thiện đáng kể độ an toàn và giảm áp lực sơ tán dân cư trong khu vực.
Nhóm nghiên cứu tên lửa Trường Chinh 2C có kế hoạch tiếp tục thử nghiệm công nghệ thu hồi mũi hình nón có kiểm soát trong các nhiệm vụ phóng vào năm tới.
Đoàn Dương (Theo Xinhua)