Mạng xã hội Trung Quốc gần đây lan truyền video máy bay KJ-600 nội địa bay thử, dường như là ở thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, nơi nó đang được phát triển. Đây là lần đầu tiên xuất hiện video phi cơ KJ-600 bay thực tế kể từ khi nó được truyền thông Trung Quốc công bố hồi năm 2018.
Chiếc phi cơ xuất hiện trong video là một trong 6 nguyên mẫu KJ-600 đã được chế tạo, có ký hiệu 7103. Máy bay được sơn màu xám, với phần móc hãm, thiết bị giúp phi cơ có thể hạ cánh xuống tàu sân bay, được đặt ở hốc hình chữ V phía gần đuôi.
Các hình ảnh ở góc độ khác cho thấy nó có ba càng đáp, bốn cánh đuôi đứng, cùng cánh chính có dạng thẳng được gắn ở thân trên. Thiết kế này được cho là nhằm nâng cao năng lực chỉ huy trên không và giám sát hàng hải của chiếc phi cơ.
Giới chuyên gia nhận định các hình ảnh trên cho thấy phi cơ KJ-600 có thể đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Một số thông tin cuối năm 2023 cho biết dự án đã bước vào giai đoạn nâng cao và phi cơ KJ-600 chuẩn bị được đưa vào sản xuất với số lượng hạn chế.
KJ-600 cất cánh lần đầu hồi tháng 8/2020, hai năm sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin về chương trình phát triển mẫu máy bay này. Nó được cho là có chiều dài 18,4 mét, sải cánh 24,4 mét, kích thước phù hợp để hoạt động trên tàu sân bay.
Phi cơ được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) cỡ lớn hình tròn ở trên lưng. Truyền thông Trung Quốc tuyên bố công nghệ radar này có thể giúp nó phát hiện tiêm kích tàng hình như F-22 và F-35 của Mỹ.
KJ-600 dự kiến được biên chế cho chiến hạm Phúc Kiến, tàu sân bay mới nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc. Chiến hạm này được trang bị máy phóng điện từ và cáp hãm đà, thay vì thiết kế cầu nhảy cũ như trên tàu Liêu Ninh và Sơn Đông. Nhiệm vụ chính của KJ-600 là giúp tăng tầm hoạt động của radar trên tàu sân bay, qua đó có thể phát hiện tốt hơn các vật thể bay ở độ cao thấp.
Quân đội Trung Quốc hiện vận hành ba mẫu máy bay cảnh báo sớm, trong đó dòng KJ-2000 được trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt, còn KJ-200 và KJ-500 sử dụng động cơ cánh quạt tương tự dòng KJ-600. Tuy nhiên, những chiếc máy bay này được thiết kế để triển khai từ đường băng truyền thống thay vì tàu sân bay như KJ-600.
Sau khi biên chế KJ-600, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ ba sở hữu máy bay cảnh báo sớm cánh bằng trên tàu sân bay. Hai nước còn lại là Pháp và Mỹ, đều sử dụng mẫu E-2 Hawkeye do Mỹ sản xuất.
Phạm Giang (Theo Eurasian Times, Defence Blog, Reuters)