Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang mang lại lợi ích cho một số công ty Nhật Bản, khi những thiết bị sản xuất chip đã qua sử dụng của họ không chịu lệnh hạn chế của Washington và giá bán đã tăng trung bình 20% năm qua.
Mỹ áp lệnh cấm nhằm vào SMIC, nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, hồi tháng 9/2020 nhằm ngăn tập đoàn này mua thiết bị chế tạo chip đời mới. SMIC cũng bị đưa vào danh sách đen hồi tháng 12/2020, khiến các doanh nghiệp khó lòng cung cấp thiết bị dùng công nghệ Mỹ cho họ.
Những nhà sản xuất thiết bị Nhật Bản không chịu hạn chế này đang phải chật vật để duy trì kho hàng, khiến giá bán tăng đáng kể trong năm ngoái. Những thiết bị quan trọng như hệ thống quang khắc đã tăng giá gấp ba lần trong năm 2020.
"Gần 90% máy móc đã qua sử dụng đều được chuyển đến Trung Quốc", nguồn tin tại hãng tài chính Mitsubishi UFJ Lease & Finance tiết lộ. "Những cỗ máy gần như vô giá trị cách đây vài năm đang được bán với giá gần một triệu USD", một nguồn tin giấu tên nói thêm.
Một phần thiết bị đã được đưa vào vận hành trong các dây chuyền tại Trung Quốc, trong khi số khác được tích trữ đề phòng nhu cầu tương lai. Điều này cũng không ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Nhật Bản, họ đang thu được lợi nhuận đáng kể nhờ thanh lý những kho hàng vốn không ai cần đến.
Điều này không chỉ diễn ra với các công ty Nhật Bản. "Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã mua gần 32 tỷ USD thiết bị chế tạo chip từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều nơi khác. Con số này cao hơn 20% so với năm 2019 và sẽ tiếp tục tăng", theo báo cáo của Bloomberg.
Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là khả năng tự cung tự cấp. Nhiều công ty tại nước này đã đạt bước tiến trong phát triển thiết bị chế tạo chip, giúp họ không còn phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. SMIC đang tìm cách hạn chế ảnh hưởng của việc nằm trong danh sách đen của Mỹ và cải thiện năng lực hiện đại hóa ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Trung Quốc cũng đang phát triển CPU, GPU, bộ nhớ và những thiết bị khác để không phải phụ thuộc vào sản phẩm phương Tây. Tuy nhiên, nước này sẽ phải tiếp tục tích trữ những thiết bị lạc hậu, đã qua sử dụng cho đến khi có thể thay thế hoàn toàn trang thiết bị chế tạo chip dùng công nghệ Mỹ, nhất là khi Washington ít có dấu hiệu dỡ bỏ hạn chế trong tương lai gần.
Điệp Anh (Theo Tom's Hardware)