Amir Khan Muttaqi, đại diện ngoại giao hàng đầu của chính quyền Taliban ở Afghanistan, cuối tuần qua gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari tại Islamabad để thảo luận về sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Bắc Kinh khởi xướng.
Amir Khan Muttaqi không được phép xuất cảnh do các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào chính quyền Taliban, nhưng Pakistan đã cấp cơ chế miễn trừ cho ông để tới Islamabad.
Phó phát ngôn viên Taliban Hafiz Zia Ahmad cho biết đại diện ba bên đã đạt được một thỏa thuận mở rộng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan thuộc BRI tới Afghanistan. Với thỏa thuận này, hàng tỷ USD đầu tư có thể được rót vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Afghanistan.
Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết Ngoại trưởng Zardari và ông Tần Cương đã nhất trí "tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và kinh tế cho người dân Afghanistan cũng như tăng cường hợp tác phát triển ở quốc gia này".
Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari cho biết thông điệp nhất quán của nước này với chính quyền Taliban là "giúp bạn cũng là giúp ta". Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng cả Bắc Kinh và Islamabad đều "sẵn sàng hỗ trợ Afghanistan tái thiết kinh tế".
"Chúng tôi hy vọng Taliban sẽ áp dụng chính sách quản lý toàn diện và ôn hòa cũng như duy trì quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng", ông Tần nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc và Pakistan cũng nhấn mạnh cần phải giải phóng các tài sản bị đóng băng ở nước ngoài của Afghanistan. Taliban đang bị ngăn tiếp cận khoảng 9 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan ở nước ngoài.
Taliban lên nắm quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8/2021, song không được quốc tế công nhận. Chính quyền này đang đối mặt nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế và nhiều lần mời Trung Quốc tham gia đầu tư, tái thiết đất nước.
BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013 nhằm khai thác thế mạnh tài chính của Trung Quốc để tiến hành các dự án cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh mô tả là nhằm "xây dựng cộng đồng rộng lớn có chung lợi ích" khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Taliban năm 2021 bày tỏ mong muốn tham gia Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan, nhưng Bắc Kinh khi đó phản ứng thận trọng do Taliban vấp phải phản ứng quyết liệt từ cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc dường như nắm rõ về nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào tại Afghanistan, bao gồm mỏ đồng Mes Aynak được cho là lớn thứ hai thế giới về trữ lượng khai thác. Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc từng ký hợp đồng cho thuê thăm dò mỏ này trị giá 3 tỷ USD vào năm 2008, nhưng công việc bị đình trệ hơn một thập kỷ vì những lo ngại an ninh liên quan đến tình hình bất ổn tại Afghanistan.
Ngọc Ánh (Theo AFP/NDTV)