Cuộc tập trận tại Hoàng Hải bắt đầu từ ngày 29/8 đến ngày 3/9, trong khi cuộc tập trận ở Bột Hải bắt đầu từ ngày 28/8 và kéo dài trong một tuần, theo thông báo từ Cơ quan An toàn Hàng hải các tỉnh Giang Tô và Liêu Ninh.
Chuyên gia quân sự Ni Lexiong, ở Thượng Hải, cho biết các cuộc tập trận ở Bột Hải và Hoàng Hải có mục đích thực tế là mô phỏng cả tấn công và phòng thủ trong thời chiến. "Các kịch bản khác nhau, với những đối thủ mạnh hay yếu, cần được thực hành trong các cuộc diễn tập", ông Ni nói.
Đây là các cuộc tập trận mới nhất trong chuỗi các cuộc tập trận được Trung Quốc thông báo kể từ cuối tháng 7. Ít nhất 9 cuộc tập trận, trong đó có một số cuộc sử dụng đạn thật, đã được tổ chức ở nhiều vùng biển khác nhau, bao gồm biển Hoa Đông và Biển Đông.
Truyền thông Trung Quốc hôm 20/8 đưa tin hai khu trục hạm và một hộ vệ hạm nước này diễn tập bắn đạn thật tại biển Hoa Đông. Sáng 26/8, Trung Quốc cũng bắn hai tên lửa diệt hạm DF-26B và DF-21D từ Thanh Hải và Chiết Giang ra Biển Đông để cảnh báo Mỹ, theo một nguồn tin thân cận với quân đội nước này.
Một nhà bình luận quân sự Trung Quốc cho rằng các cuộc tập trận diễn ra liên tiếp nhằm phản ánh quyết tâm của quân đội nước này trước sự hiện diện của Mỹ. Diao Daming, phó giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định các cuộc "huấn luyện thường xuyên" nhằm nâng cao niềm tin của người dân cũng như phát thông điệp cứng rắn tới Mỹ và Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuần trước cho biết trinh sát cơ U-2 của Mỹ đã "xâm nhập vùng cấm bay, nơi đang diễn ra một cuộc diễn tập bắn đạn thật của Chiến khu phía Bắc thuộc quân đội Trung Quốc". Cơ quan này nói hành động của trinh sát cơ tầm cao Mỹ "ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của quân đội Trung Quốc".
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã tổ chức hai cuộc diễn tập trên Biển Đông hồi tháng 7. Khu trục hạm USS Mustin của Mỹ và JS Suzutsuki của Nhật Bản cũng huấn luyện chung tại biển Hoa Đông trong tháng này.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)