Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Thái Lan, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 31/7 tuyên bố việc thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa nước này và ASEAN có "tiến triển đáng kể", sau vòng rà soát đầu tiên dự thảo đàm phán COC, lạc quan rằng hai bên sẽ "nhất định" đạt được sự đồng thuận trước thời hạn ba năm tới.
"Trung Quốc dường như lạc quan khi nói đến những tiến triển đáng kể. Không rõ là Bắc Kinh có thổi phồng không", Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), nói với VnExpress.
Collin cho rằng việc thực hiện Vòng rà soát đầu tiên dự thảo COC là điều có ý nghĩa, nhưng xét đến lộ trình (bắt đầu từ 2013) thì nó không phải là điều gì lớn lao. Ông cảnh báo có thể đây là dấu hiệu của "sự khác biệt lớn", "thách thức thêm nữa", dựa trên diễn biến gần đây như sự hăm dọa của Trung Quốc với hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia, việc Bắc Kinh điều hơn 100 tàu áp sát Thị Tứ.
Jeffrey Ordaniel, chuyên gia của Diễn đàn Thái Bình Dương, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, khẳng định Trung Quốc đã tạo một "bầu không khí giả tạo" về sự kiềm chế và hợp tác ở Biển Đông khi họp với ASEAN. Ông Vương đã nói đến những điều này ngay trong lúc các tàu của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Nam Biển Đông từ đầu tháng 7/2019.
Ordaniel khuyến cáo ASEAN nên cảnh giác với tuyên bố "có tiến triển trong đàm phán COC" mà Trung Quốc đưa ra. Các vấn đề cần làm rõ trong COC là tính ràng buộc, phạm vi địa lý mà COC bao quát (có bao gồm cả Trường Sa, bãi cạn Scarborough và Hoàng Sa không) và mối liên quan đến Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).
"Nếu Trung Quốc tỏ ra hài lòng với cái gọi "tiến triển" của COC, thì có thể văn bản này vẫn chưa có yếu tố ràng buộc, vẫn còn mơ hồ và chưa đạt được tinh thần của (UNCLOS)", chuyên gia người Philippines nói.
Ordaniel cho rằng các nước cùng có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông không nên nghe những lời hoa mỹ của Bắc Kinh, mà nên chú ý đến hành động của họ. Hoạt động thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông làm căng thẳng leo thang, vi phạm sự đồng thuận và luật pháp.
Trước đó, sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 tại Thái Lan ngày 31/7, ASEAN đã ra Tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại về các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm gia tăng căng thẳng. Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. ASEAN kêu gọi các bên tăng cường tự kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, tránh làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Đánh giá về Tuyên bố chung này, Tiến sĩ Collin cho hay ASEAN đã nhắc đến vấn đề xây đảo nhân tạo và quân sự hóa, sử dụng một số từ ngữ mạnh như "xói mòn lòng tin". Tuy nhiên, tuyên bố tránh nêu đích danh bất cứ ai, nhằm tránh gây tranh cãi.
Khi ASEAN không nhắc đến Trung Quốc trong Tuyên bố chung, Collin cho rằng văn bản chỉ "như một cái tát nhẹ", khiến Bắc Kinh "biết là ASEAN không vui".
Chuyên gia Jeffrey Ordaniel đánh giá việc Việt Nam nêu vấn đề Trung Quốc hành xử kiểu ép buộc ở Biển Đông ra trước các cuộc họp ASEAN là "điều đúng đắn". Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nêu đích danh tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép từ đầu tháng 7/2019.
"Các nước ASEAN nên thảo luận về việc Trung Quốc cần phải trả giá cho lối hành xử tồi trong thời gian dài. Bắc Kinh vẫn duy trì hành động phi pháp vì họ chưa từng chịu hình phạt nào", Ordaniel nói.
Ordaniel cũng đề cao Việt Nam nhấn mạnh quan điểm "tuân thủ luật quốc tế" trong vấn đề Biển Đông. Vấn đề mấu chốt mà các nước ASEAN nên giữ vững là sự diễn giải UNCLOS. Bất kỳ giải pháp nào ngoài UNCLOS đều có lợi cho Trung Quốc, làm suy giảm quyền và lợi ích chính đáng của các thành viên ASEAN.
Từng là trưởng SOM của Việt Nam tại ASEAN trong 7 năm, ông Phạm Quang Vinh, tỏ ra lạc quan về vai trò của ASEAN. Ông cho rằng Tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN cho thấy Biển Đông vẫn là vấn đề được ASEAN quan tâm trong chương trình nghị sự với các đối tác.
"Tuyên bố của ASEAN cho thấy Hiệp hội vẫn coi trọng hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Hiệp hội cũng nhấn mạnh các bên phải xây dựng lòng tin, tuân theo luật quốc tế và UNCLOS, để hướng tới COC hiệu quả", ông Vinh nói.