Krishan Gopaul - nhà phân tích thị trường tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đầu tuần này trích số liệu từ PBOC cho thấy trong tháng 4, PBOC mua thêm 60.000 ounce. Đây là tháng thứ 18 liên tiếp cơ quan này tăng lượng vàng dự trữ.
Dù vậy, lượng mua giảm so với 2 tháng trước đó. Trong tháng 2 và 3, PBOC mua thêm lần lượt 390.000 ounce và 160.000 ounce.
PBOC là một trong những tổ chức mua vàng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, việc giá liên tiếp lập đỉnh mới trong hai tháng qua dường như ghìm lại nhu cầu của cơ quan này. Hiện, vàng dự trữ của PBOC là 2.264 tấn.
Giá vàng thế giới hiện là 2.368 USD một ounce, tăng 21 USD so với đóng cửa phiên 9/5. Từ đầu năm kim loại quý tăng hơn 12%, một phần nhờ lực mua của các ngân hàng trung ương.
Nhóm này mua vì mục đích chiến lược dài hạn. Vì thế, lực mua của các nước mới nổi được dự báo còn tăng mạnh, theo Goldman Sachs.
"Ngân hàng Trung ương các nước mới nổi đang thúc đẩy cơn sốt vàng", các nhà nghiên cứu tại Goldman cho biết. Lượng kim loại quý của nhóm này hiện khoảng 6% tổng dự trữ, bằng nửa các nước phát triển.
Báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng quý I của WGC cho thấy các ngân hàng trung ương đã mua số vàng kỷ lục, tổng cộng 289 tấn. Dẫn đầu là Thổ Nhĩ Kỳ (30 tấn), Trung Quốc (27 tấn) và Ấn Độ (18 tấn). Ngân hàng Trung ương Nga cũng tăng tốc tích trữ vàng từ sau chiến sự tại Ukraine.
Vàng còn được hỗ trợ bởi nhu cầu ngày càng tăng từ nhà đầu tư châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Thị trường chứng khoán và bất động sản ảm đạm khiến người dân nước này gần đây tìm đến loại tài sản này.
Ngoài ra, rủi ro địa chính trị, như chiến sự Nga - Ukraine và xung đột tại Trung Đông, cũng kéo nhu cầu trú ẩn lên cao. Năm nay, cử tri tại hơn 60 quốc gia trên thế giới sẽ tham gia bầu cử, trong đó có Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng những biến động kinh tế và chính trị này tiếp tục giúp thị trường vàng lập đỉnh.
Hà Thu (theo Bloomberg, WGC)