Vài ngày gần đây, giá vàng thế giới liên tiếp lập đỉnh lịch sử, có thời điểm chạm 2.164 USD một ounce. Giá này bỏ xa kỷ lục cũ là 2.135 USD hồi tháng 12/2023. Giới phân tích cho rằng hoạt động mua tích trữ sôi nổi của các ngân hàng trung ương là một trong những nguyên nhân kéo giá vàng đi lên.
Trong Báo cáo Nhu cầu Xu hướng vàng năm 2023 công bố hôm 31/1, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết tổng khối lượng vàng được giao dịch trên toàn cầu năm ngoái đạt 4.899 tấn. Trong đó, lượng mua từ các ngân hàng trung ương vượt 1.000 tấn trong 2022-2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp nhóm này mua trên 1.000 tấn vàng.
Sử dụng dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), WGC gần đây công bố danh sách các nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, tính đến hết năm 2023.
Đứng đầu danh sách là Mỹ với tổng cộng 8.133 tấn. Lượng vàng dự trữ của Mỹ gần bằng 3 quốc gia đứng sau cộng lại. Số vàng này có giá trị khoảng 543 tỷ USD (theo báo cáo của WGC tính đến cuối năm 2023), chủ yếu được cất tại kho vàng Fort Knox và các hầm vàng ở Fed New York.
Xếp sau là 3 đại diện của châu Âu, gồm Đức, Italy và Pháp, với dự trữ dao động 2.400-3.300 tấn vàng. Trong đó, lượng vàng Pháp nắm giữ gần như không thay đổi trong vài năm qua.
Châu Âu đóng góp nhiều đại diện nhất trong danh sách, với 6 quốc gia. Châu Á cũng có ba nước thuộc top 10. Trong đó, dự trữ của Trung Quốc tính đến cuối năm ngoái là 2.235 tỷ tấn, gần gấp 3 lần Ấn Độ và Nhật Bản.
WGC nhận định vàng là thành phần quan trọng trong khối dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, nhờ tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời. Đây là ba mục tiêu đầu tư cơ bản của các ngân hàng trung ương. Vì vậy, các cơ quan này cũng là nhóm nắm giữ vàng lớn của thế giới, chiếm 20% số vàng được khai thác trên toàn cầu đến nay.
Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng nhu cầu của các ngân hàng trung ương là yếu tố chính giúp kim loại quý giữ được ngưỡng hỗ trợ 2.000 USD vài tháng qua.
"Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng mua vàng. Việc dự trữ tiền tệ các nước khác ngày càng ít ý nghĩa, trong bối cảnh thế giới phân cực và đầy bất ổn", Ryan McIntyre - Giám đốc công ty quản lý tài sản Sprott, cho biết trong một bài phỏng vấn gần đây với Kitco News.
Dù vậy, trong top 10 nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, hầu hết không mua thêm vàng trong quý IV. Các ngoại lệ là Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Ngân hàng Trung ương Nga gần đây tăng cường tích trữ vàng, để đa dạng hóa tài sản, tránh phụ thuộc vào đôla Mỹ. Việc này càng được đẩy nhanh từ sau chiến sự tại Ukraine.
Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn nhì thế giới năm 2022. Trung Quốc cũng là người chơi lớn trên thị trường này, cả về sản xuất, tiêu thụ và dự trữ.
Trong khi hai nước láng giềng chỉ mua thêm 3 tấn vàng quý trước, Trung Quốc mua tới 22 tấn. Tính chung cả năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mua vàng nhiều nhất thế giới, với 225 tấn.
Báo cáo mới nhất của PBOC cũng cho thấy cơ quan này đã mua vàng 16 tháng liên tiếp, nâng tổng số vàng hiện tại lên 2.257 tấn. Dù vậy, giá trị số vàng này mới chiếm 4% tổng dự trữ của cơ quan này. Vì thế, PBOC được dự báo sẽ tiếp tục mua vào trong thời gian tới.
Trên TRT World, Louis Kuijs - kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings lý giải: "PBOC có thể lo ngại bất ổn kinh tế - chính trị trên toàn cầu. Họ cũng muốn giảm phụ thuộc vào USD nữa, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng vài năm qua".
Hà Thu (theo WGC, Kitco)