Những người yêu thích Bitcoin thường nói rằng, loại tiền số này không chịu sự kiểm soát của bất kỳ chính phủ nào. Tuy nhiên, khoảng ¾ nguồn cung Bitcoin của thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, nơi mà chính phủ đưa ra các động thái giảm sản lượng Bitcoin, đang gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tiền số toàn cầu.
Việc hàng loạt máy tính được huy động để đào Bitcoin khiến lượng điện tiêu thụ quá lớn, đi ngược các mục tiêu gần đây của Trung Quốc về khí hậu. Chính phủ nước này đã tỏ ra khó chịu và không ủng hộ tiền số nói chung. Đã nhiều năm nay, giới chức Trung Quốc chưa hề chấp nhận cho sàn tiền số nào hoạt động hợp pháp tại đây dù rằng nhiều doanh nhân nước này nổi lên trong vai trò nguồn cung cấp bitcoin quan trọng.
Mô hình đào bitcoin 24/7 có thể tồn tại được nhờ vào nguồn cung điện và trang thiết bị giá rẻ dồi dào, mà Trung Quốc có thừa các yếu tố trên. Cũng chính trong điều kiện thuận lợi đó, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của ngành sản xuất thế giới.
Trong nỗ lực giành thị phần, các công ty đào Bitcoin Trung Quốc tận dụng thị trường điện còn thiếu điều tiết và đang thừa công suất. Họ lập ra những khu đào bitcoin gần với những nhà máy sản xuất điện tại khu vực miền núi tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam. Khi dòng chảy thay đổi vào mùa đông, lượng điện cung cấp suy giảm, những người đào Bitcoin lại mang máy tính lên khu vực Tân Cương và Nội Mông.
Hoạt động đào tiền số ở Trung Quốc, trong nhiều trường hợp là hàng chục nghìn máy tính được kết nối để giải những thuật toán phức tạp, vốn tiêu tốn rất nhiều điện năng. Chỉ riêng ngành bitcoin tại Trung Quốc đã bị xếp vào nhóm 10 ngành tiêu thụ nhiều điện năng nhất, cùng với nhiều ngành như sản xuất thép hay xi măng, theo đánh giá của tổ chức Britain’s Nature Communications.
Thực trạng này đang mâu thuẫn với quyết tâm của chính quyền Trung Quốc đưa nước này trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về vấn đề khí hậu, đồng thời cũng đặt ra mục tiêu đầy tham vọng về việc giảm sử dụng than đá. Bắc Kinh đang muốn phát hành đồng nhân dân tệ số quốc gia thuộc kiểm soát của Ngân hàng Trung ương và được thiết kế để "đối đầu" với các loại tiền số.
Ngày 21/5, chính phủ Trung Quốc đã thề rằng sẽ cứng rắn với hoạt động đào và kinh doanh Bitcoin. Tuyên bố này được hiểu như lời cảnh báo sự tồn tại của chuỗi cung ứng tiền số quy mô hàng tỷ USD tại Trung Quốc sẽ chỉ còn tính bằng ngày.
Kết quả, các công ty sản xuất điện của Trung Quốc đang loại bỏ các công ty đào tiền số ra khỏi mạng lưới điện. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang bán máy đào Bitcoin trên thị trường đồ cũ với giá giảm đáng kể.
Thực tế này không đồng nghĩa rằng thế giới sẽ hết bitcoin. Thay vào đó, hoạt động đào tiền ảo sẽ chững lại tại Trung Quốc và tăng tốc tại nhiều nơi khác. Theo số liệu của Đại học Cambridge, trong khoảng 18 tháng qua, sự thống trị của Trung Quốc trong hoạt động đào tiền số thế giới đã giảm đáng kể, cùng lúc đó, tỷ lệ quy mô đào tiền số tại Mỹ không ngừng tăng và đến năm ngoái đã chiếm 7% toàn cầu.
Dù rằng nhiều chuyên gia trong ngành dự báo tỷ lệ đào tiền số Mỹ có thể nhanh chóng tăng lên mức khoảng 40% sau vài năm tới, cộng đồng bitcoin vẫn tin Trung Quốc sẽ chiếm một nửa hoạt động Bitcoin toàn thế giới.
Sáng lập viên của tổ chức môi giới BlocksBridge Consulting tại Bắc Kinh, ông Nishant Sharma, chỉ ra: "Tại Trung Quốc, người ta luôn có suy nghĩ rằng chính phủ sẽ cứng rắn. Tôi đang chứng kiến quá nhiều sự hoảng sợ".
Những nỗi lo từ sự đảo chiều chính sách của Trung Quốc đã gây sức ép lên giá Bitcoin. Ngoài ra, trong tháng trước, tỷ phú Elon Musk cũng thông báo ngừng chấp nhận Bitcoin trong vai trò công cụ thanh toán bởi lo lắng về tác động lên môi trường.
Trong con đường phát triển của Bitcoin tại Trung Quốc, không thể không nhắc đến câu chuyện sau trận động đất làm rung chuyển tỉnh Tứ Xuyên năm 2013. Trong số hàng triệu tệ tiền quyên góp về các quỹ từ thiện để khắc phục hậu quả sau thảm họa, người ta chú ý đến món quà bằng Bitcoin từ ngôi sao điện ảnh Lý Liên Kiệt của Trung Quốc.
Cũng mùa đông năm đó, một nhân viên công ty điện thoại ở Thượng Hải – ông Jiang Zhuoer mua 2 chiếc máy tính và bắt đầu đào Bitcoin tại nhà. Kết quả, ông này kiếm được thêm 500-700 USD mỗi tháng, ông kể lại trong một cuộc phỏng vấn sau này.
Ngoài ra, cùng thời gian ấy, một nhóm người yêu thích công nghệ tại Bắc Kinh bắt đầu thiết kế ra máy tính dành riêng cho mục đích đào Bitcoin. Công ty của họ có tên Bitmain Technologies, công ty sử dụng thuật toán được công bố bởi kiến trúc sư Bitcoin và sau đó chuyển nó sang tiếng Trung Quốc.
Cơ quan quản lý Trung Quốc với những nỗi ám ảnh về các cơn sốt tài chính và sự sụt giảm thê thảm đi sau đó, tất nhiên không khỏi lo lắng. Cơ quan thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã nhắc đến Bitcoin rằng đó chẳng hơn gì một loại tiền do tư nhân lưu hành trên mạng Internet.
8 tháng sau khi ngôi sao Lý Kiên Kiệt quyên góp bằng Bitcoin, cơ quan quản lý lập tức dập tắt bất kỳ ý niệm nào về khả năng loại tài sản vốn đang thịnh hành này sẽ được chào đón trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Bắc Kinh đã cấm các ngân hàng xử lý giao dịch tiền số.
Năm 2017, Bắc Kinh lại tiếp tục siết chặt chính sách thông qua việc cấm sử dụng tiền số cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc không đưa ra chính sách nào cụ thể liên quan đến sản lượng bitcoin. Chính vì vậy nhiều người vẫn tiếp tục đi đào đồng tiền này.
Những người ủng hộ ngành sản xuất và kinh doanh tiền số tại phương Tây nói rằng, động lực phát triển của ngành đang dịch chuyển dần sang những nước có khung pháp lý dễ đoán hơn, đặc biệt Mỹ.
Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) đã đưa ra chính sách với tiền số, các ngân hàng nước này cũng đang cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho bitcoin. Đồng thời, các công ty đào Bitcoin đang được chào đón đến New York và các khu vực điện mặt trời tại Texas.
Trưởng bộ phận phát triển doanh nghiệp tại công ty tiền số Hut 8 Mining Corp trụ sở tại Toronto, bà Sue Ennis, nhận xét các biện pháp cứng rắn từ phía Bắc Kinh có thể giúp triển vọng dài hạn của đồng tiền này sáng sủa hơn bởi nó làm giảm đi những nỗi sợ, bất ổn và nghi ngờ về khả năng Trung Quốc đang đào tất cả Bitcoin. "Bất kỳ ai đang không ở Trung Quốc đều coi đây như cơ hội để giành được "phần của miếng bánh", bà nói thêm.
Bà cũng cho biết công ty của bà đang có điều chỉnh để sẵn sàng tiếp nhận các công ty đào Bitcoin muốn rời khỏi Trung Quốc.
Diệu Thanh (Theo WSJ)