Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuần này đề nghị tăng cường hợp tác khu vực về vaccine Covid-19 cũng như phát triển các dự án cơ sở hạ tầng do nước này tài trợ trong cuộc họp với những người đồng cấp từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.
Trong các cuộc hội đàm song phương ở tỉnh Thiểm Tây từ ngày 10/5 đến 12/5, Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh phải bảo vệ nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ". Các Ngoại trưởng Trung Á trong khi đó cho biết họ ủng hộ nỗ lực của Bắc Kinh trong việc "bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia" cũng như vấn đề Tân Cương.
Ngoại trưởng Vương đã ký cam kết xây dựng một trung tâm y học cổ truyền ở Tajikistan, hợp tác về khí đốt tự nhiên với Turkmenistan, cung cấp vật liệu và dịch vụ y tế cho Kyrgyzstan, hợp tác kinh tế và thương mại dài hạn với Uzbekistan cũng như phát triển các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường với Kazakhstan.
Cuộc họp với các nước Trung Á diễn ra khi Trung Quốc tiếp tục căng thẳng với Mỹ, Đức, Anh về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, giáp Tajikistan, Kyrgzystan và Kazakhstan.
Trung Quốc bị phương Tây tố bắt giam tùy tiện một triệu người Duy Ngô Nhĩ và cưỡng bức lao động ở Tân Cương, điều mà nước này nhiều lần bác bỏ.
Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc ngả về các nước Trung Á cũng phản ánh mong muốn củng cố quan hệ trong khu vực, khi 4 trong 5 nước trên đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Tuy nhiên, khi Bắc Kinh tăng cường đầu tư vào Trung Á, sẽ đối mặt với lo ngại từ Nga, vốn là nước có truyền thống ảnh hưởng trong khu vực, cũng như sự bất bình từ công chúng các nước Trung Á về vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc.
Kết quả một cuộc thăm dò từ Central Asia Barometer cho thấy trong khi chính phủ các nước này hoan nghênh mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, dư luận lại có quan điểm trái ngược, với 30% ở Kazakhstan và 35% ở Kyrgyzstan không coi quan hệ với Trung Quốc đem lại thuận lợi.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)