Tân Hoa Xã trích dẫn tuyên bố của Bộ Nhà ở, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc về động thái hỗ trợ tài chính cho ngành địa ốc. Nước này sẽ cung cấp các khoản vay đặc biệt cho các chủ đầu tư dự án bất động sản thông qua các ngân hàng chính sách. Từ đó, các dự án đang dang dở sẽ có vốn để tiếp tục xây dựng, đảm bảo người mua được giao nhà.
Theo Bloomberg, động thái trên cho thấy rõ dấu hiệu hỗ trợ chính thức của chính quyền Bắc Kinh cho một ngành đang phải vật lộn với khủng hoảng nợ và doanh số bán nhà sụt giảm. Một phân tích gần đây của tờ này chỉ ra, cho vay của ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản đã giảm lần đầu tiên sau 10 năm và sự sụt giảm này có thể kéo dài.
Động thái hỗ trợ vốn cho thấy các nhà quản lý Trung Quốc đang tăng cường tài chính cho lĩnh vực bất động sản. Gần đây, ngành này chứng kiến thêm cuộc khủng hoảng mới. Hồi giữa tháng trước, người mua nhà tại hơn 230 dự án ở 86 thành phố trên khắp nước này đã đồng loạt từ chối đóng tiếp tiền nhà cho những dự án hình thành trong tương lai, nếu như hoạt động xây dựng không được nối lại.
Số tiền ngừng đóng lên tới 2.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 296 tỷ USD). Tình trạng này khiến cuộc khủng hoảng chuyển trọng tâm từ các công ty bất động sản sang các ngân hàng lớn. Các nhà băng nước này trước kia dựa vào các khoản thế chấp địa ốc như một nguồn thu an toàn trong bối cảnh lệnh giãn cách kéo dài kìm hãm sự tăng trưởng. Tốc độ tăng GDP trong quý II/2022 của Trung Quốc về mức chậm nhất kể từ khi bùng phát Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán. Các nhà kinh tế dự đoán mức tăng trưởng cả năm có thể chỉ đạt 4% hoặc thấp hơn.
Với việc thị trường bất động sản tiếp tục đè nặng lên triển vọng tăng trưởng, các nhà kinh tế đã kêu gọi chính sách kích thích nhiều hơn. Để đối phó với sự suy thoái kinh tế ngày càng sâu rộng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bất ngờ cắt giảm lãi suất vào đầu tuần rồi, mặc dù bước đi đó khó có thể hạ bớt lo ngại trên thị trường.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng và các nhà quản lý nợ xấu nới lỏng các hạn chế đối với một số khoản vay để giảm bớt tình trạng khủng hoảng tiền mặt. Vào tháng 4, ngân hàng trung ương nước này đã tổ chức một cuộc họp với khoảng 20 nhà băng lớn và các công ty quản lý tài sản để giúp giải quyết khủng hoảng tại hàng chục công ty bất động sản lớn, trong đó có Evergrande.
Bất động sản chiếm khoảng 78% tài sản hộ gia đình ở Trung Quốc, gấp đôi tỷ lệ ở Mỹ. Các gia đình thường tiết kiệm trong nhiều năm và vay mượn từ bạn bè, người thân để mua nhà. Sau cú sụp của Evergrande vào năm ngoái, nhiều chuyên gia theo dõi thị trường cho rằng hệ quả lây lan đến ngành tài chính sẽ hạn chế bởi người mua nhà thường thanh toán bằng tiền mặt. Nhưng thực tế không ít người đã sử dụng các khoản thế chấp.
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, các khoản thế chấp chưa thanh toán khoảng 38.300 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2021. Công ty chứng khoán GF dự phóng khoản thế chấp lên tới 2.000 tỷ nhân dân tệ có thể bị ảnh hưởng bởi xu hướng từ chối đóng tiếp tiền nhà.
Tiểu Gu (theo Bloomberg)