Trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp quốc hội hôm 11/3 ở Bắc Kinh, Phó tư lệnh không quân Trung Quốc Wang Wei thông báo dự án phát triển oanh tạc cơ tàng hình H-20 của nước này đang diễn ra thuận lợi, không gặp bất cứ vấn đề nào về kỹ thuật.
Phó tư lệnh Wang cho biết Trung Quốc sẽ sớm ra mắt H-20, thêm rằng phi cơ sẽ được biên chế và đưa vào sản xuất hàng loạt không lâu sau khi hoàn thành các chuyến bay thử nghiệm. "Nó sắp xuất hiện rồi, hãy đợi thêm chút nữa", ông nói, song không nêu thời điểm cụ thể.
Kể từ khi công bố dự án phát triển oanh tạc cơ H-20 vào năm 2016, Trung Quốc tiết lộ thêm rất ít thông tin về mẫu phi cơ này, ngoại trừ video quảng bá của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc vào năm 2018 và video tuyển dụng của không quân nước này sau đó ba năm.
Hai video đều có hình ảnh đồ họa về một chiếc máy bay cỡ lớn được phủ bạt, dường như có thiết kế cánh bay. Các chi tiết kỹ thuật cụ thể về mẫu phi cơ này chưa được công bố.
Giới chuyên gia nhận định H-20 có thể mang theo khoảng 45 tấn vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân, sở hữu tầm bay khoảng 8.500 km và xa hơn nếu được tiếp liệu trên không, có khả năng vươn tới bờ biển phía tây của Mỹ.
Sự xuất hiện của H-20 được cho là lý do Mỹ thúc đẩy tiến độ phát triển B-21 Raider, mẫu oanh tạc cơ được mệnh danh là "sát thủ tàng hình". Trong khi Trung Quốc công bố rất ít thông tin mới về H-20, Mỹ đã cho bay thử B-21 tại Pamdale, California vào tháng 10/2023. Washington hồi cuối tháng 1 thông báo bắt đầu sản xuất B-21 với số lượng hạn chế và dự kiến đưa nó vào biên chế không quân Mỹ trong hai năm tới.
Lầu Năm Góc chưa tiết lộ nhiều về các tính năng của B-21, song cho biết mẫu oanh cơ này có thể mang theo nhiều loại vũ khí, sở hữu tầm hoạt động vượt trội so với các dòng máy bay hiện hành, đồng thời được tích hợp công nghệ tàng hình tối tân.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết B-21 là "kết tinh" của các thành tựu phát triển về công nghệ tàng hình trong hơn 50 năm qua. Ông nhấn mạnh "ngay cả các hệ thống phòng không hiện đại nhất" cũng không thể phát hiện được nó.
Ông Wang từ chối so sánh B-21 với mẫu oanh tạc cơ Trung Quốc đang phát triển, khẳng định nước này sẽ không cạnh tranh với Mỹ mà chỉ hướng tới mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia.
Dù vậy, ông nhấn mạnh oanh tạc cơ H-20 sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực tác chiến của không quân Trung Quốc, với vai trò là một phần trong "thế hệ máy bay mới" của Bắc Kinh. "Nó rất đáng để tự hào và mong chờ", Phó tư lệnh không quân Trung Quốc nói.
H-6, mẫu oanh tạc cơ chủ lực hiện nay của không quân Trung Quốc, là dòng máy bay tầm trung có tốc độ cận âm, không được tích hợp công nghệ tàng hình. Do đó, dù đã nhiều lần được nâng cấp và hiện đại hóa, H-6 được đánh giá là không đủ khả năng xâm nhập các hệ thống phòng không hiện đại, mà phải sử dụng các loại đạn tầm xa để tập kích mục tiêu nằm sâu trong phòng tuyến đối phương.
Phạm Giang (Theo Global Times, Newsweek, National Interest)