Trung Quốc sẽ phóng tàu chở người tiếp theo mang tên Thần Châu 13 từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền, tây nam Trung Quốc, vào ngày 3/10, SCMP đưa tin. Phi hành đoàn, dự kiến gồm một nữ phi hành gia, sẽ bay lên quỹ đạo để tham gia xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung. "Phi hành đoàn, tàu vũ trụ và tên lửa đều trong tình trạng tốt. Chúng tôi đang hoàn thành những cuộc kiểm tra cuối cùng", một nhân viên tại trung tâm phóng cho biết.
Vụ phóng mới diễn ra trong chưa đầy một tháng kể từ khi các phi hành gia của tàu Thần Châu 12, phi hành đoàn đầu tiên làm việc trên trạm Thiên Cung, trở về Trái Đất. Trung tâm phóng cũng thực hiện một số điều chỉnh nhỏ dựa trên phản hồi của phi hành đoàn Thần Châu 12 gồm Nie Haisheng, Liu Boming và Tang Hongbo. Họ đang được kiểm tra sức khỏe và cách ly.
Các phi hành gia có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt sau ba tháng trên quỹ đạo nhưng sẽ phải dành 3 - 4 tuần để tái thích ứng với lực hấp dẫn trên Trái Đất, lấy lại cơ bắp và điều chỉnh hệ tim mạch, theo Huang Weifen, chuyên gia tại Cơ quan Vũ trụ Có người lái Trung Quốc (CMSA).
Phi hành đoàn Thần Châu 13 dự kiến sống trên trạm vũ trụ 6 tháng. Các chuyên gia đã nỗ lực để đảm bảo họ sẽ thoải mái trong thời gian này, trong đó có việc bổ sung các sản phẩm chăm sóc da.
Chỉ hai trong số 11 phi hành gia Trung Quốc bay vào vũ trụ từ năm 2003 là phụ nữ - Liu Yang và Wang Yaping. Wang đã lọt vào danh sách rút gọn của nhóm dự bị cho Thần Châu 12 và khả năng cao sẽ có vị trí trong phi hành đoàn lần này. Cô cũng từng là thành viên của phi hành đoàn Thần Châu 10 làm việc trên phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 1 vào tháng 6/2013.
Thần Châu 13 sẽ là tàu đầu tiên tiến hành ghép nối thẳng đứng với module lõi của trạm vũ trụ. Cổng trước và sau của trạm đã có tàu chở hàng Thiên Châu 2 và Thiên Châu 3 chiếm chỗ.
Phi hành đoàn mới có ba mục tiêu chính trong thời gian làm việc trên quỹ đạo, theo Zhou Yaqiang, thiết kế trưởng tại phòng công nghệ tổng quát thuộc CMSA. "Đầu tiên là xác minh tính bền vững của trạm cho phi hành gia ở lại lâu dài. Thứ hai, họ sẽ đi bộ ngoài không gian để xác minh thêm các công nghệ liên quan đến phi hành gia, bộ đồ vũ trụ, cánh tay robot và trạm vũ trụ. Thứ ba, họ sẽ thực hiện các thí nghiệm khoa học liên quan trên quỹ đạo, tích lũy thêm kinh nghiệm cho việc xây dựng và vận hành trạm", Zhou nói.
Thần Châu 13 sẽ là nhiệm vụ cuối cùng trong năm nay để xây trạm vũ trụ. Tàu Thiên Châu 3 đã ghép nối với module lõi của trạm Thiên Cung hôm 20/9. Khi Thần Châu 13 ghép nối với trạm, toàn bộ cấu trúc sẽ có hình chữ T, tổng khối lượng gần 50 tấn.
6 nhiệm vụ nữa đã được lên kế hoạch cho giai đoạn xây trạm vũ trụ, Zhou cho biết. Trung Quốc sẽ phóng thêm hai module phòng thí nghiệm không gian, Vấn Thiên và Mộng Thiên, để các phi hành gia có thể thực hiện nhiều thí nghiệm hơn trong các lĩnh vực như y học vũ trụ và công nghệ sinh học. Ngoài ra, kế hoạch còn bao gồm việc phóng hai tàu chở hàng Thiên Châu và hai tàu chở người Thần Châu. "Sau khi hoàn tất, trạm vũ trụ sẽ bước sang giai đoạn hoạt động", Zhou nói.
Thiên Cung sẽ có tổng khối lượng khoảng 100 tấn, bằng 1/4 Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - công trình được 16 nước hợp tác xây dựng. Thiên Cung có thể sẽ là trạm vũ trụ duy nhất hoạt động trên quỹ đạo gần Trái Đất cuối thập kỷ này vì ISS dự kiến sớm ngừng hoạt động.
Thu Thảo (Theo SCMP)