Sau nhiệm vụ kỷ lục kéo dài 6 tháng trên trạm vũ trụ Thiên Cung, tàu Thần Châu của Trung Quốc đã hạ cánh an toàn xuống khu tự trị Nội Mông vào hôm 16/4. Ngoài ba phi hành gia, chuyến bay còn mang 73 kg vật phẩm trở về Trái Đất, trong đó có 12.000 hạt giống của lúa gạo, yến mạch, nấm ăn, rau xanh, thảo mộc và các loại thực phẩm thô cho gia súc như cỏ linh lăng và cỏ ba lá.
Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, môi trường không gian với bức xạ và vi trọng lực giúp làm đột biến gene của hạt giống để tạo ra nhiều chủng loại ưu việt hơn. Điều này sẽ bổ sung nguồn chất mầm mới và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Những hạt giống trên tàu vũ trụ đã được lựa chọn cẩn thận để đảm bảo chúng có thể nảy mầm bình thường khi đưa trở về Trái Đất.
"Theo mục tiêu lai tạo, chúng tôi đã lựa chọn cẩn thận những hạt giống được kỳ vọng là cao cấp, giàu protein và có thể chống lại các điều kiện môi trường kém", chuyên gia Yang Hongshan từ Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết. "Thời gian để hạt giống không gian phát triển trên đất nông nghiệp và trồng thành giống mới là khác nhau. Phải mất hơn 10 năm để lai tạo ra một giống cỏ linh lăng mới, trong khi cây yến mạch có chu kỳ ngắn hơn từ hai đến ba năm".
Các giống cỏ linh lăng được tàu Thần Châu mang về theo kế hoạch sẽ trải qua các cuộc thử nghiệm gieo trồng thực địa trong năm nay hoặc năm sau. Cỏ linh lăng có năng suất và protein cao, với khả năng tồn tại trong những điều kiện môi trường đa dạng, rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi và an ninh lương thực của Trung Quốc. Quốc gia Đông Á này cần tới 6 triệu tấn cỏ linh lăng để làm thức ăn cho gia súc mỗi năm và hiện 1/3 là nhập khẩu.
Kể từ khi bắt đầu lai tạo các loại hạt giống ngoài không gian vào năm 1987, Trung Quốc đã gieo trồng thành công khoảng 260 giống cây mới bao gồm lúa, đậu tương và rau trên 2,4 triệu ha đất. Theo ước tính, việc nhân giống trong không gian đã trực tiếp tạo ra lợi ích kinh tế trị giá 200 tỷ nhân dân tệ, tương đương 29,8 tỷ USD.
Đoàn Dương (Theo CNS)