Tàu vũ trụ Thần Châu đưa phi hành đoàn tiếp đất khoảng 9 tiếng sau khi tách khỏi module lõi Thiên Hà của trạm vũ trụ Thiên Cung. Chuyến trở về đánh dấu sự kết thúc của nhiệm vụ Thần Châu 13, lập kỷ lục nhiệm vụ không gian có người tham gia dài nhất của Trung Quốc, lên tới 6 tháng. Kỷ lục cũ thuộc về nhiệm vụ Thần Châu 12 diễn ra năm 2021. Trong nhiệm vụ này, ba phi hành gia sống trên trạm vũ trụ 92 ngày.
Không lâu sau khi hạ cánh, cả ba phi hành gia đều thông báo rằng mình cảm thấy khỏe mạnh sau nhiệm vụ không gian dài ngày. Họ nhận được những tràng vỗ tay lớn từ Trung tâm điều khiển nhiệm vụ của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh.
6 tháng là thời gian bình thường của một nhiệm vụ có phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Trung Quốc không tham gia vào hoạt động của trạm vũ trụ này. Một số nhiệm vụ của ISS thậm chí còn dài hơn. Ví dụ, cuối tháng 3, phi hành gia Mark Vande Hei (NASA) và Pyotr Dubrov (Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos) trở lại Trái Đất sau 355 ngày trên trạm ISS.
Thần Châu 13 cũng đánh dấu những cột mốc khác với khoa học vũ trụ Trung Quốc. Ví dụ, phi hành gia Wang Yaping trở thành người phụ nữ đầu tiên sống trong module Thiên Hà và cũng là người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên đi bộ ngoài không gian.
Wang tham gia nhiệm vụ Thần Châu 13 cùng Ye Guangfu và Zhai Zhigang - chỉ huy nhiệm vụ. Bộ ba khởi hành vào ngày 15/10/2021 từ bệ phóng tại Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, hướng đến module Thiên Hà của trạm vũ trụ Thiên Cung. Trạm này dự kiến bổ sung hai module nữa, cả hai đều có thể phóng vào cuối năm nay.
Zhai, Wang và Ye rất bận rộn trong 6 tháng trên quỹ đạo. Họ đã thực hiện hai chuyến đi bộ ngoài không gian, hơn 20 thí nghiệm khoa học và tổ chức hai buổi giảng dạy trực tiếp từ module Thiên Hà.
"Một sự kiện tương tác theo thời gian thực với các phi hành gia Trung Quốc giúp nêu bật thành tựu công nghệ của đất nước, thể hiện năng lực cũng như lợi ích của chương trình không gian. Một sự kiện như vậy giúp nâng cao lòng tự hào dân tộc và khuyến khích các công dân trẻ theo đuổi công việc khoa học", Molly Silk, nhà nghiên cứu về chính sách vũ trụ Trung Quốc tại Đại học Manchester (Anh), cho biết.
Phi hành đoàn Thần Châu 13 cũng đã dành thời gian để "sửa soạn" module Thiên Hà, sẵn sàng đón những phi hành gia tiếp theo. Tàu Thần Châu 14 dự kiến phóng đầu tháng 6.
Thần Châu 13 là nhiệm vụ chở người thứ hai bay lên module Thiên Hà. Nhiệm vụ đầu tiên là Thần Châu 12, cất cánh vào tháng 6/2021 và hạ cánh vào tháng 10 cùng năm. Hai tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu cũng đã ghé thăm module Thiên Hà. Một tàu chở hàng khác dự kiến phóng lên module này vào tháng sau.
Thu Thảo (Theo Space)