"Quá trình rút quân bắt đầu từ hơn hai tuần trước. Tất cả đều trở về bằng phương tiện quân sự, nên phía Ấn Độ có thể nhìn thấy điều này", một nguồn tin giấu tên có quan hệ thân thiết với quân đội Trung Quốc tiết lộ hôm nay.
"Một số binh sĩ trong 10.000 lính đó vốn dự kiến trở về sau hơn một năm làm nhiệm vụ, một phần của kế hoạch luân chuyển quân. Quân ủy Trung ương giờ đây chắc chắn rằng hai bên đều không thể chiến đấu trong thời tiết lạnh giá cực đoan như vậy trên dãy Himalaya", nguồn tin giải thích.
Người này cho biết thêm rằng số lính được rút về chủ yếu thuộc lực lượng được triển khai tạm thời từ các đơn vị ở quân khu Tân Cương và Tây Tạng. "Họ trở về doanh trại tại quê nhà để nghỉ ngơi, nhưng toàn bộ 10.000 lính có thể trở lại tiền tuyến trong vòng một tuần bằng đường sắt, phương tiện quân sự, hoặc thậm chí máy bay", nguồn tin nói.
Một số hãng truyền thông Ấn Độ cũng dẫn nguồn tin từ chính quyền cho biết khoảng 10.000 lính Trung Quốc đã rút khỏi các khu vực thuộc Ladakh, dấu hiệu hạ nhiệt sau khoảng thời gian căng thẳng nghiêm trọng giữa Bắc Kinh và New Delhi xung quanh vấn đề biên giới.
Xung đột leo thang hồi tháng 6/2020, khi 20 lính Ấn Độ thiệt mạng trong vụ va chạm với lực lượng Trung Quốc tại thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh trên dãy Himalaya. Bắc Kinh không công bố thương vong ở phía họ. Các chỉ huy quân đội hai bên sau đó đã nỗ lực đàm phán để giải quyết xung đột.
Đại tướng Manoj Mukund Naravane, tư lệnh lục quân Ấn Độ, hôm nay cho biết ông hy vọng các cuộc đàm phán sẽ mang lại một biện pháp hòa giải thân thiện cho căng thẳng biên giới với Trung Quốc. "Tôi vô cùng mong đợi vào một tình huống khả quan", ông nói.
Yogesh Gupta, cựu đại sứ Ấn Độ tại Đan Mạch và là chuyên gia về quan hệ Ấn - Trung, nhận định động thái rút quân của Trung Quốc có thể thúc đẩy Ấn Độ cân nhắc một phản ứng tương tự, nhưng tiến độ và quy mô sẽ phụ thuộc vào nhiều khía cạnh chiến lược và hậu cần.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)