Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario hôm qua nói rằng bất cứ việc hợp tác chung nào tại vùng lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông đều phải tuân thủ luật pháp.
"Chúng tôi giữ một thái độ thận trọng trước lời mời hợp tác chung của Trung Quốc. Các cuộc đàm phán thương mại về việc thăm dò dầu khí nên để các bên tư nhân thực hiện, nhưng bất kỳ thỏa thuận thăm dò nào trên biển Tây Philippines (Biển Đông) đều phải tuân thủ luật pháp Philippines", Inquirer dẫn lời Ngoại trưởng Del Rosario cho hay.
Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh bày tỏ mong muốn của Bắc Kinh về việc hợp tác chung trong khu vực giàu tài nguyên trên Biển Đông. Bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, được cho là có trữ lượng gas lên đến 96 tỷ mét khối và trữ lượng dầu tương đương với 440 triệu thùng, hơn cả mỏ dầu hiện có của Philippines. Trong lần trả lời phỏng vấn của báo Philippines hồi tháng trước, đại sứ Trung Quốc nói rằng "vẫn có nhiều cách" để hợp tác trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền "chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn".
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân sau đó cũng phát biểu từ Bắc Kinh coi "khai thác chung có thể là một biện pháp thực tế" để giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển.
Ngoại trưởng Philippines không đưa ra bình luận nào thêm khi được hỏi đề nghị này của Trung Quốc có ảnh hưởng như thế nào đến sự tranh chấp chủ quyền tại các quần đảo trên Biển Đông. Các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực Biển Đông, nơi được cho là có nguồn tài nguyên dầu mỏ, khoáng sản và hải sản phong phú.
Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) được cho là đã bắt đầu hoạt động dàn khoan nước sâu ở Biển Đông. Tập đoàn lọc dầu CPC Corp của Đài Loan cũng công bố kế hoạch thăm dò dầu khí tại vùng nước xung quanh đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, Philippines có hợp đồng thăm dò với CNOOC tại một số khu vực phía tây nước này.
Philippines và các nước Đông Nam Á đã đưa tranh chấp trên Biển Đông ra các diễn đàn quốc tế và Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc phản đối đa phương hóa vấn đề, mà chỉ muốn đàm phán song phương với từng bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
Vũ Hà