Tàu hải quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Tampasdowntown |
"Chúng tôi rất hoan nghênh điều đó. Chúng tôi đang mong đợi những nhân tố đối trọng trong khu vực và Nhật Bản có thể là nhân tố cân bằng đáng kể", Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times cho hay.
Tuyên bố kể trên phản ánh quan điểm của của Manila trước những hành động được cho là khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông. Phát biểu của ông Rosario cũng được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử quan trọng ở Nhật Bản mà ông Shinzo Abe, người cam kết sửa đổi hiến pháp hòa bình và tăng cường quân sự của Nhật, có thể sẽ quay trở lại làm thủ tướng.
Hiến pháp của Nhật có thể được sửa đổi để nâng cấp Lực lượng Phòng vệ lên mức quân đội đầy đủ, cho phép lực lượng này có nhiều quyền hơn và có thể làm thay đổi cán cân quân sự ở châu Á. Mặc dù về danh nghĩa, lực lượng này theo chủ nghĩa hòa bình, nhưng lực lượng của Nhật không hề thiếu những vũ khí hiện đại. Hải quân Nhật có hơn 50 tàu chiến lớn, so với 70 chiếc của Trung Quốc.
Sự ủng hộ của các quốc gia châu Á cho việc tái vũ trang có thể khiến ông Abe bắt tay ngay vào sửa đổi hiến pháp. Nếu việc này xảy ra, Trung Quốc sẽ hết sức lo ngại bởi từ lâu Bắc Kinh đã dè chừng sự quay lại của nền quân sự Nhật Bản.
Trước khi công khai ủng hộ Nhật Bản trở thành đối trọng với Trung Quốc, Philippines mạnh mẽ phản đối việc cảnh sát biển của tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc, có thêm quyền truy đuổi và lục soát các tàu nước ngoài đi vào vùng nước tranh chấp trên Biển Đông.
Philippines cũng từ chối đóng dấu vào hộ chiếu của công dân Trung Quốc sau khi Bắc Kinhg đưa hình ảnh đường chín đoạn, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, vào mẫu hộ chiếu mới. "Philippines đã khẳng định nhiều lần rằng tuyên bố về đường 9 đoạn là quá đáng và là vi phạm luật quốc tế", ông Rosario nói.
Quốc gia Đông Nam Á cũng hết sức lo lắng vì những hành động mà Trung Quốc gọi là "trỗi dậy hòa bình" và hoan nghênh chính sách hướng đến châu Á của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines nói Manila đồng ý cho nhiều tàu Mỹ tới thăm và thực hiện thêm nhiều cuộc tập trận chung. Philippines cũng mới ký hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự, trao đổi binh sĩ và kỹ thuật với Nhật Bản từ tháng 7. Nhật Bản cũng sẽ cung cấp hơn 10 tàu tuần tra mới cho Tuần duyên Philippines, cùng với nhiều khoản vay và viện trợ.
Vũ Hà