Sách trắng "Chiến lược quân sự của Trung Quốc" công bố ngày 26/5, là tài liệu quốc phòng chuyên đề đầu tiên trình bày chiến lược quân sự và những yêu cầu thay đổi trong tư duy quốc phòng của nước này.
"Trung Quốc công bố sách trắng chiến lược quân sự là xuất phát từ tầm nhìn chiến lược, tuyên bố với cộng đồng quốc tế chính sách an ninh quân sự của Trung Quốc", CCTV dẫn lời Đại tá Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết.
Coi trọng hải quân
Giới phân tích cho rằng, điểm nhấn quan trọng của Sách trắng Quốc phòng năm nay là việc Trung Quốc đề ra yêu cầu quân đội phải thay đổi tư duy "coi trọng lục quân, xem nhẹ hải quân". Theo đó, hải quân phải căn cứ theo yêu cầu chiến lược "phòng vệ cận hải, hộ vệ viễn dương", nâng cao năng lực uy hiếp và phản kích chiến lược, tác chiến cơ động trên biển, phối hợp tác chiến chung trên biển, từ đó đảm bảo an toàn lợi ích tại nước ngoài của Bắc Kinh.
Chuyên gia phân tích quân sự Dennis Blasko bình luận rằng, Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc đã chính thức hóa xu thế chuyển đổi trong quân đội nước này trong những năm gần đây.
"Điều này về cơ bản đã xác nhận những điều mà phần lớn giới phân tích đã thấy, là xu hướng nhằm tới một lực lượng hải quân lớn hơn, lực lượng không quân mạnh hơn và lực lượng tên lửa tiên tiến hơn", New York Times dẫn lời ông Blasko, cựu tùy viên quân sự của Mỹ tại Bắc Kinh, cho biết.
Đầu tháng 4, Cục Tình báo hải quân Mỹ công bố báo cáo đánh giá thực lực hải quân Trung Quốc, với nhận định sau 15 năm không ngừng hiện đại hóa lực lượng hải quân, Bắc Kinh đang đạt được những thành quả rõ nét.
Theo đó, trong hai năm 2013 và 2014, số lượng tàu chiến Trung Quốc hạ thủy nhiều hơn bất kỳ nước nào và xu thế này sẽ được tiếp diễn trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, nước này có có đội tàu hải cảnh quy mô lớn nhất thế giới, với số lượng nhiều hơn các nước láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cộng lại.
"Trước năm 2020, hải quân Trung Quốc sẽ dần nâng cao năng lực tác chiến, với biện pháp nhanh chóng mua sắm trang bị, cùng với nâng cao mức độ thuần thục trong hành động", báo cáo trên viết.
Chỉ thẳng Mỹ, Nhật
Sự chuyển đổi trong tư duy và thực tiễn quân sự trên của Trung Quốc được cho là xuất phát từ cục diện cạnh tranh sức ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington cùng đồng minh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sách trắng lần này nhấn mạnh những nguy cơ an ninh mà nước này đang gặp phải, đặc biệt trên vấn đề biển đảo, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung trên Biển Đông gia tăng.
"Mỹ tiếp tục thúc đẩy chiến lược tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường sự hiện diện quân sự và hệ thống đồng minh quân sự tại khu vực. Nhật Bản tích cực tìm cách thoát khỏi thể chế sau Thế chiến thứ 2, điều chỉnh mạnh chính sách an ninh quân sự", sách trắng viết. "Một vài nước cá biệt có hành động khiêu khích trên vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc".
Tuy nhiên, trên thực tế, chính Bắc Kinh mới đang tích cực tiến hành các động thái khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, với việc bồi đắp trái phép các đá mà nước này chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngay trong ngày hôm qua, Bộ Giao thông vận tải nước này ngang nhiên tổ chức lễ khởi công xây dựng hai ngọn hải đăng ở đá Gạc Ma và đá Châu Viên.
Trong lễ công bố hôm qua, Đại tá Dương Vũ Quân lại ám chỉ Mỹ mới là tác nhân làm căng thẳng tình hình Biển Đông. "Các thế lực bên ngoài đang nỗ lực bôi nhọ quân đội Trung Quốc, cố tình làm quá cục diện căng thẳng trong khu vực", ông này nói. "Đây cũng không phải là chiêu trò gì mới, mọi người đã thấy nhiều trong lịch sử".
Thiếu tướng về hưu Từ Quang Dụ cho rằng, Mỹ đừng mong đợi Trung Quốc sẽ chịu khuất phục trước áp lực và Washington cần hiểu rõ hậu quả khôn lường nếu dồn Bắc Kinh vào góc chân tường. "Trung Quốc sẽ tích cực xây dựng năng lực và sự răn đe quân sự của mình, chỉ để đảm bảo không ai dám chống lại chúng tôi", ông Từ cho biết.
Giáo sư Tăng Nhuệ Sinh thuộc Đại học Nottingham cho rằng Sách trắng Quốc phòng mới cùng với hàng loạt động thái ngoại giao, quân sự của Trung Quốc hai năm trở lại đây, phản ánh quan điểm chiến lược đối ngoại cứng rắn của ban lãnh đạo đương nhiệm của nước này.
Chiến lược này khác với cách tiếp cận "làm nhiều nói ít" và tránh phô diễn sức mạnh khiến các nước láng giềng lo ngại của ban lãnh đạo cũ. Cuối năm 2012, đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội đảng 18, đánh dấu sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo cao nhất 10 năm một lần, với tân tổng bí thư là ông Tập Cận Bình.
"Trong thời gian ngắn, chiến lược này giành được sự ủng hộ của người dân trong nước, thậm chí là một số lợi ích nhất định trên quốc tế, nhưng về lâu dài, rất có thể sẽ làm tăng thêm nữa sự thiếu lòng tin của Đông Nam Á với ý đồ chiến lược của Trung Quốc, gây nên sự nghi ngờ và phản ứng từ Mỹ, không có lợi cho Trung Quốc", Giáo sư Tăng nhận định.
Theo dự báo của HIS Janes Defence Weekly, chi tiêu quốc phòng hàng năm tại Đông Nam Á sẽ đạt mức 52 tỷ USD trong năm 2020. Các nước trong khu vực dự kiến chi 58 tỷ USD vào thiết bị quân sự mới trong 5 năm tới, trong đó việc mua thiết bị hải quân sẽ chiếm phần nhiều. Đa số thiết bị này có khả năng được sử dụng tại và xung quanh Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tích cực xây dựng trái phép.
Bất chấp những yếu tố chiến lược bất lợi trên, Giáo sư Bernard Cole thuộc Học viện Chiến tranh Quốc gia tại Washington nhận định rằng, Sách trắng Quốc phòng mới của Trung Quốc càng cho thấy rất ít khả năng nước này sẽ từ bỏ hành động xây đắp đảo để kiểm soát Biển Đông.
"Tôi cho rằng Trung Quốc đang cảm thấy tự tin với việc đẩy mạnh về phía trước, cố tìm ra ngưỡng phản ứng của Mỹ", Giáo sư Cole bình luận. "Chúng ta hiện nay có thể thấy ngưỡng đó, nhưng tôi chắc chắn rằng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc sẽ chấm dứt hoạt động xây đảo".
Đức Long