Nie Haisheng (56 tuổi), Liu Boming (54 tuổi) , và Tang Hongbo (45 tuổi) trở thành những phi hành gia đầu tiên bay lên trạm Thiên Cung trong giai đoạn đầu xây dựng ở quỹ đạo thấp của Trái Đất. Tàu vũ trụ Thần Châu chở phi hành đoàn cất cánh lúc 8h22 ngày 17/6 (theo giờ Hà Nội) từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi.
Thần Châu 12 hay còn gọi là Divine Vessel là nhiệm vụ đầu tiên trong 4 nhiệm vụ có người lái tới trạm Thiên Cung, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chương trình không gian của Trung Quốc. Theo kế hoạch, trạm sẽ có đầy đủ thành viên vào tháng 12/2022.
Trung Quốc phóng thành công module đầu tiên mang tên Thiên Hà của trạm Thiên Cung vào ngày 29/4. Module này là tàu vũ trụ lớn nhất mà Trung Quốc phát triển từ trước tới nay với tổng chiều dài 16,6 m và không gian sinh hoạt 50 m3, theo Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ (CASC).
Đứng đầu phi hành đoàn 3 người là Nie Haisheng, người lớn tuổi nhất trong nhóm. Đây là chuyến bay thứ ba của Nie vào không gian, sau nhiệm vụ đầu tiên năm 2005 và nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ ghép nối năm 2013. Liu Boming, thành viên lớn tuổi thứ hai, thực hiện nhiệm vụ đầu tiên năm 2008, góp phần giúp Zhai Zhigang trở thành phi hành gia Trung Quốc đầu tiên đi bộ không gian. Thành viên trẻ tuổi nhất Tang Hongbo là người duy nhất chưa từng bay vào vũ trụ dù đã trải qua 11 năm huấn luyện.
Phi hành đoàn sẽ ở trên quỹ đạo trong 3 tháng, đánh dấu nhiệm vụ có người lái lâu nhất của Trung Quốc. Kỷ lục trước đây là 33 ngày. Các phi hành gia sẽ tiến hành hai chuyến đi bộ không gian để lắp đặt thiết bị cho trạm vũ trụ.
Trung Quốc chưa thông báo thời gian phóng các bộ phận khác của trạm vũ trụ, nhưng module Thiên Hà sẽ hoạt động trong ít nhất 10 năm. Một tàu vũ trụ chở vật tư cho 3 phi hành gia bao gồm thức ăn, thiết bị và nhiên liệu đẩy, đã ghép nối với trạm vũ trụ hôm 30/5, theo Xinhua.
Trung Quốc đã vận hành hai trạm vũ trụ trên quỹ đạo trước đây, gồm trạm Thiên Cung 1 và Thiên Cung 2. Cả hai đều là phiên bản thử nghiệm của trạm vũ trụ lớn hơn mà quốc gia này đang xây dựng. Đối với lần phóng tàu này, Trung Quốc sử dụng tên lửa Trường Chinh 2F nhỏ hơn Trường Chinh 5. Khác với tên lửa Trường Chinh 5, tầng lõi của tên lửa sẽ không đạt vận tốc trên quỹ đạo và chắc chắn rơi trở lại khí quyển ở khu vực va chạm xác định từ trước.
An Khang (Theo CNN)