Cơ sở hạ tầng thành phố Trùng Khánh đang được phát triển. |
Tới thăm Trùng Khánh, người ta có thể nhận thấy chính sách mới này. Nhà chức trách đang chi nhiều tiền vào những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, biến thành phố trở thành một nam châm đầu tư, đem lại điều kỳ diệu cho kinh tế nội địa. Đưa vốn đầu tư vào đây tương đương với mức của vùng ven biển là một nhiệm vụ khó khăn. Thế nhưng, với nỗ lực này, thành phố đang trở thành một cuộc thử nghiệm về hy vọng phát triển khu vực phía tây đất nước của chính quyền Bắc Kinh.
Có nhiều đồi núi, nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử, Trùng Khánh nằm ở trung tâm vùng đông dân cư nhất Trung Quốc. Trong 10 năm tới, thành phố dự định chi 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 24 tỷ USD) vào hệ thống giao thông. 4 nhà ga mới và một mạng lưới đường cao tốc nối Trùng Khánh với các xa lộ hiện có cùng phần còn lại của đất nước sẽ được xây dựng. Thành phố còn mở rộng sân bay và có kế hoạch thiết lập những cảng mới. Trên toàn Trùng Khánh, cần cẩu vươn lên từ những ngọn đồi, xây dựng cầu đường nhằm biến đây thành một trung tâm kinh tế hiện đại và dễ tiếp cận. Tất cả những điều này là nhằm tạo điều kiện cho các công ty đang hoạt động tại thành phố vì hiện giờ, họ phải mất một tuần để vận chuyển hàng tới khu vực ven biển giàu có. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tính toán chi phí lao động ở đây bằng không đến một nửa so với Thượng Hải.
"Nếu có thể giữ được đà này trong 10 năm tới, Trùng Khánh sẽ trở thành một Thượng Hải như ngày nay", Phó thị trưởng thành phố Huang Qifan, người giữ vai trò hàng đầu trong công cuộc biến đổi này, dự đoán. Ông thường xuyên đi công tác ở quê hương Thượng Hải và Hong Kong trong năm qua, thiết lập quan hệ và vận động đầu tư tư nhân cho Trùng Khánh.
Thành phố có thể kiêu hãnh về một số dự án đầu tư quy mô lớn. Trùng Khánh là nơi có dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất miền tây Trung Quốc. Đó là liên doanh trị giá 204 triệu USD, giữa BP, Sinopec và chính quyền thành phố, sản xuất axit axetic và các hoá chất khác sử dụng trong các sản phẩm nhựa, mực và thuốc nhuộm. BP dự định chi 140 triệu USD trong vòng 18 tháng tới để mở rộng sản xuất thêm 75%. Hồi tháng giêng, Ford bắt đầu sản xuất xe Fiesta ở một nhà máy phía bắc thành phố, trong một liên doanh trị giá 98 triệu USD. Trong năm tới, hãng này sẽ sản xuất 50.000 xe và 150.000 chiếc trong năm 2005.
Một trong những kế hoạch tham vọng nhất là của hãng Shui On. Hãng kinh doanh bất động sản của Hong Kong này vừa tuyên bố có kế hoạch xây dựng khu chung cư, văn phòng và hội nghị lớn ở Trùng Khánh. Họ sẽ chi 10 tỷ nhân dân tệ để thực hiện dự án xây dựng khu bất động sản sử dụng trong nhiều mục đích rộng 1,3 triệu m2 ở phía tây thành phố. Metropolitan Tower, toà văn phòng lớn nhất Trùng Khánh hiện nay, là do nhà thầu Hong Kong Li Ka-shing xây dựng.
Có nhiều lĩnh vực mà Trùng Khánh có cơ hội tốt để giành được những khoản đầu tư nước ngoài đáng kể. Lấy ví dụ như ngành động cơ. Trùng Khánh sản xuất khoảng 60% xe máy Trung Quốc. Các công ty Nhật Bản Honda, Yamaha và Suzuki đều có liên doanh ở đây. Lotus và các công ty thiết kế xe máy châu Âu khác đã có thoả thuận về kỹ thuật với các doanh nghiệp địa phương. He Daotian, quan chức cao cấp Jialing Motors, nhà sản xuất xe máy lớn nhất Trung Quốc, cho biết 90% phụ tùng là được sản xuất tại Trùng Khánh.
Phụ tùng ôtô cũng bắt đầu được sản xuất ở thành phố. Khoản đầu tư của Ford vào Trùng Khánh đã kéo theo một vài nhà cung cấp phụ tùng lớn. Delphi và Eaton đã thăm thành phố để tìm hiểu cơ hội. "Chúng tôi sử dụng 80-90% phụ tùng nội địa hoá. Do vậy, chi phí cũng thấp hơn", Ron Tyack, giám đốc sản xuất nhà máy Ford, cho biết.
Mạng lưới nhà cung cấp là một lý do tại sao nhà sản xuất động cơ Mỹ Briggs & Stratton hồi tháng giêng quyết định thiết lập một trung tâm nguồn lực ở thành phố miền tây này, chứ không phải là Thượng Hải. Chỉ có 1 bộ phận của máy bom do công ty sản xuất là nhập ngoại và 90% trong số phụ tùng sản xuất trong nước là ở Trùng Khánh. "Đối với bất kỳ ai đang bị sức ép phải để dành một vài đôla, thì họ nên đến vùng nội địa", James Marceau, phó giám đốc phụ trách sản xuất hãng Briggs & Stratton châu Á, nói.
Năng lượng và hoá chất là hai cơ hội khác. Khi thành lập nhà máy axetylen năm 1998, BP nhận ra rằng có rất nhiều nguyên liệu thô ở Trùng Khánh. Axit axetic được làm từ carbon, metan và khí thiên nhiên. Tuy nhiên, việc chuyên chở các chất này rất tốn kém. Vì vậy, ở Trùng Khánh, điều kiện nguyên liệu sẵn có giúp BB, nhưng họ lại gặp khó khăn khác - khoảng cách với người mua. Đó là lý do tại sao Gordon Wilson, giám đốc bộ phận sản xuất axetylen của BP tại Trung Quốc, hiểu rằng trong vòng 3-4 năm tới, tăng trưởng của hãng sẽ đến từ đông Trung Quốc, nơi nhu cầu đang bùng nổ và một số nhà đầu tư đang phát triển kế hoạch xây dựng những nhà máy lớn. Tuy nhiên, nhìn rộng ra thêm 5-10 năm nữa, ông cho rằng lợi thế về cung cấp của Trùng Khánh sẽ lấy lại thế cân bằng và dẫn tới bùng nổ trong nội địa.
Hồ chứa nước của thủy điện Tam Hiệp. |
Bên cạnh đó còn ngành giao thông. Các nhà đầu tư dự kiến giao thông đường thuỷ sẽ phát triển, vì hồ chứa nước sau đập Tam Hiệp sẽ đầy. Giao thông đường thủy rẻ hơn khá nhiều, dù chậm hơn đường bộ hay đường sắt. Chẳng hạn, Ford vận chuyển một nửa số ôtô sản xuất ra trên sông Vũ Hán. Sau đó, phương tiện được chuyển lên xe tải và đưa tới bờ biển phía đông hoặc khu vực phía bắc Bắc Kinh. Wilson cho biết vì đập đã hoạt động, nên các sà lan với trọng tải lớn hơn có thể tới Trùng Khánh. Do vậy, ông có thể giảm một nửa chi phí vận chuyển. Điều đó mở ra cơ hội cho ngành giao thông Trung Quốc thu hút sự tham gia của nước ngoài.
Theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc phải mở cửa một số thành phố, trong đó Trùng Khánh là địa điểm duy nhất ở phía tây, cho các công ty hậu cần nước ngoài vào hoạt động từ năm 2005. Các hãng này cũng bắt đầu có mặt. Đầu năm nay, APL Logistics (Mỹ) bắt đầu hoạt động chuyên chở ôtô trên sông Dương Tử, theo hợp đồng với Ford và Suzuki.
Đầu tháng 8, công ty xây dựng địa phương Longhu bắt đầu rao bán các căn hộ thuộc một khu gồm 900 căn không xa nhà máy Ford. Người ta đứng xếp hàng suốt 3 ngày trước khi nhà được bán chính thức. Một ngày sau, Longhu phát số theo thứ tự người xếp hàng. Glenn Weng, giám đốc sản xuất nhà máy Briggs & Stratton, cho biết ông có mặt hôm đó và được phát số 1.058 - và được mời mua đúng căn hộ mà ông rất thích. Weng cho đây là một dấu hiệu tốt. "Bất động sản ở Trùng Khánh có tiềm năng lên giá", ông nói. Phó thị trưởng Huang có thể vui mừng khi nghe đánh giá này.
Tuy nhiên, Trùng Khánh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là tình trạng lộn xộn về hậu cần và thị trường tiêu thụ chưa phát triển. Hiện, mức thu nhập bình quân ở Trùng Khánh chỉ bằng một nửa so với Thượng Hải. Thành phố vẫn là một địa điểm rất khó khăn với người nước ngoài, so với những địa điểm như Thượng Hải. Hầu hết các giám đốc ngoại quốc phải sống trong khu căn hộ không mấy tiện nghi. Rồi còn vấn đề không khí ô nhiễm do bụi bẩn. Uỷ ban Thống kê quốc gia xếp hạng Trùng Khánh là một trong những thành phố có ít ánh nắng mặt trời nhất mỗi năm.
Tất cả các nhân tố này đưa Trùng Khánh thành một thách thức. "Tôi phải thuyết phục các đồng nghiệp tới thành phố này. Trong khi đó, tôi có cả một danh sách dài chờ được đến Thượng Hải", Vincent Lo, Chủ tịch tập đoàn Shui On, cho biết.
Trong khi đó, kế hoạch xây dựng là một canh bạc tốn kém trong điều kiện Trung Quốc đang bị thâm hụt tài khoá ngày một nhiều. Huang hy vọng Trùng Khánh sẽ thu hút 130 triệu nhân dân tệ về đầu tư mỗi năm, trong đó 20% từ khu vực công cộng. Tuy nhiên, năm ngoái, chính phủ trung ương đã trợ cấp 53% ngân sách xây dựng toà trụ sở chính quyền thành phố. Huang cho biết dự kiến, khoản trợ cấp trong năm nay ít nhất cũng cao như vậy. Điều đó có nghĩa việc xây dựng quá nhiều cầu đường gây cản trở khả năng đầu tư vào trường học và y tế cộng đồng, chưa nói đến khoản bảo lãnh các ngân hàng nhà nước đang mắc nợ chồng chất và cải cách hệ thống lương hưu hiện không có tiền.
Một vấn đề khác của Trùng Khánh là trong khi họ đang thu hút nhà đầu tư, thì hàng chục thành phố khắp đất nước cũng làm như vậy. Chẳng hạn, Intel vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp chất bán dẫn trị giá 200 triệu USD ở Thành Đô, một thành phố nội địa khác - đối thủ đáng gờm của Trùng Khánh.
Nguyễn Hạnh (theo FEER)