Truyền thông Trung Quốc ngày 19/3 cho biết các nhà khoa học tại Đại học Hàng không Vũ trụ Nam Kinh đã phát triển một loại thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ (drone) "độc nhất vô nhị".
Nhìn bề ngoài, chiếc drone có hình dáng không khác gì các mẫu flycam dân sự như dòng DJI. Điểm đặc biệt là nó có thể phân tách "trong chớp mắt" thành hai, ba hoặc 6 drone nhỏ hơn, tùy thuộc vào nhu cầu tác chiến.
Mỗi drone chỉ có một cánh quạt, song có thể quần thảo và bay lượn tự do. Các "drone con" có khả năng liên lạc và phối hợp với nhau để thực hiện nhiệm vụ, trong đó mỗi chiếc đóng một vai trò riêng, từ chỉ huy, trinh sát, bám bắt mục tiêu cho tới tấn công.
Truyền thông Trung Quốc nhận định đây là công nghệ có khả năng "thay đổi cục diện chiến trường" và có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng không hiện nay.
Các hệ thống phòng không hoạt động theo cơ chế tự động phân bổ nguồn lực đối phó dựa trên số lượng drone xuất hiện trên radar. Nhưng nếu số lượng drone đột ngột tăng, như trường hợp "phân thân" của drone Trung Quốc, hệ thống phòng không sẽ bị quá tải và không thể đánh chặn hiệu quả. Điều này còn có thể gây ra "cú sốc tâm lý" với lực lượng phòng thủ, gây ảnh hưởng tới khả năng phản ứng của họ, theo truyền thông Trung Quốc.
Đội ngũ phát triển cho biết trở ngại của công nghệ phân tách drone là hiệu suất bay sẽ giảm đáng kể khi kết hợp nhiều chiếc thành một, song họ đã khắc phục được hạn chế này.
Mẫu drone của Đại học Nam Kinh có hiệu suất bay cao gần gấp đôi so với các dòng flycam có kích thước tương tự. Ngay cả sau khi "phân thân", hiệu suất bay của từng chiếc vẫn cao hơn 40% so với các drone cỡ nhỏ thông thường.
Theo đội ngũ phát triển, mẫu drone của họ được lấy cảm hứng từ hạt cây phong. Loại hạt này sở hữu cấu trúc khí động học độc đáo, trong đó lá mầm đóng vai trò như chiếc cánh, khi hạt rơi sẽ xoay theo và tạo lực nâng, giúp nó có thể lơ lửng, thậm chí bay lên cao trong điều kiện gió mạnh.
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ hồi năm 2012 cũng lấy cảm hứng từ hạt cây phong để phát triển một loại drone có ống kính xoay liên tục, có khả năng bám bắt mục tiêu một cách ổn định và ghi lại hành ảnh ở độ phân giải cao.
Tuy nhiên, loại drone này không thể bay trong thời gian dài hay thực hiện các nhiệm vụ phức tạp một cách độc lập do hạn chế về pin và tải trọng. Một số quốc gia khác sau đó đã phát triển các mẫu drone tương tự, song chưa chiếc nào được ứng dụng thực tế trên quy mô lớn.
Sau nhiều nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm phát triển của Đại học Hàng không Vũ trụ Nam Kinh đã xác định được hình dạng cánh quạt phù hợp để giúp drone có thể bay xa, cả ở trong dạng hợp nhất và sau khi phân tách. Họ cũng đã thiết kế mô hình vật lý và phần mềm điều khiển chuyên dụng để đáp ứng cơ chế hoạt động đặc biệt của dòng drone này.
Một ưu điểm nữa của nó là có thiết kế dạng module, cho phép binh sĩ có thể lắp ráp và tự cấu hình theo nhu cầu ngay trên thực địa, mang lại lợi thế về mặt chiến thuật.
Sau khi chiến sự tại Ukraine bùng phát, Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực nghiên cứu, phát triển lĩnh vực drone quân sự nhằm chuẩn bị cho kịch bản xảy ra xung đột trong tương lai và đã đạt được một số thành tựu.
Truyền thông Trung Quốc hồi đầu tháng cho biết các nhà khoa học nước này đã phát triển thành công mẫu drone có khả năng vỗ cánh giống chim nhất từ trước tới nay, mang tên "Xiaosun" (Chim cắt nhỏ).
Giới chuyên gia nhận định đặc tính này sẽ giúp chiếc drone khó bị phát hiện bởi hệ thống phòng không đối phương.
Dù vậy, một số nhà quan sát vẫn tỏ ra thận trọng về hiệu quả thực tế của drone Trung Quốc, do chúng chưa được thử nghiệm trong các cuộc xung đột quy mô lớn.
Phạm Giang (Theo Times of India, Newsweek, China Daily)