Ba công ty gồm; Shanghai Cheter, Shanghai Chengsheng Industrial và Shenzhen Yuchang Technologies, bị cơ quan quản lý nhà nước về quy chế thị trường SAMR (State Administration of Market Regulation) phạt 388.000 USD. Theo báo cáo của South China Morning Post, cơ quan quản lý đang điều tra về hoạt động đầu cơ chip (chất bán dẫn) ôtô. Ba công ty này đã tăng giá lên tới 40 lần.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc, giống như phần còn lại trên thế giới đang chịu sức ép lớn từ cuộc khủng hoảng chip toàn cầu. Dịch bệnh kéo dài khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop tăng cao khiến chất bán dẫn để sản xuất chip khan hiếm, gây nên cuộc khủng hoảng thiếu chip.
Mức tăng giá chưa từng có cao hơn mức tăng 7-10% coi là bình thường đối với các công ty kinh doanh chip xe hơi trong điều kiện cung và cầu cân bằng. Giá cả biến động buộc các nhà sản xuất ôtô và các nhà sản xuất linh kiện phải mua chip tích trữ, khiến chất bán dẫn khan hiếm.
Giống như nhiều quốc gia khác, 90% chip ôtô Trung Quốc được nhập khẩu. Vào tháng 7, Trung Quốc phải đối mặt với sự sụt giảm 16% doanh số xe mới, nguyên nhân là do thiếu chip. Audi buộc phải cắt giảm lượng sản xuất, hai trong số các nhà máy ở Trung Quốc của Toyota bị cắt giảm 40% sản lượng toàn cầu.
Tại Mỹ, doanh số bán xe hơi giảm 17% trong tháng 8, Ford và General Motors, cùng nhiều hãng khác buộc phải ngừng sản xuất và cắt giảm các tùy chọn cho một số loại xe của họ.
Stellantis - tập đoàn ôtô mới do Fiat Chrysler và PSA sáp nhập - dự đoán tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới. Daimler cho rằng, tình trạng thiếu chip có thể còn tồi tệ hơn khi giảm đốc điều hành Ola Kallenius của thương hiệu xe hơi Đức cho rằng, ngành công nghiệp ôtô có thể tiếp tục gặp phải tình trạng thiếu chip vào năm 2023.
Minh Vũ (Theo South China Morning Post)