Việc thiếu chất bán dẫn khiến các nhà sản xuất ôtô phải vật lộn để duy trì sản xuất, thậm chí đã giảm sản lượng, gồm từ Volkswagen đến General Motors (GM). Thực tế khiến các quốc gia như Đức và Mỹ phải tăng cường nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề.
Ngoài Toyota, hãng từng nói hồi tháng Một rằng đủ lượng chip dự trữ cho khoảng 4 tháng tới, thì Hyundai và hãng con Kia đang là đơn vị duy nhất trong ngành sở hữu lượng chip giúp họ duy trì sản xuất bình thường.
Tuy nhiên, nếu tình hình chung vẫn tiếp diễn, việc thiếu chip cũng có thể xảy ra với Hyundai. Nhưng lúc này, hãng xe Hàn tiếp tục mua chip.
Trong khi ngành công nghiệp ôtô đang chứng kiến sự phục hồi về nhu cầu, thì covid-19 cũng đã dẫn đến sự gia tăng việc sử dụng máy tính bàn và điện thoại thông minh. Các công ty bán dẫn phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng vọt khi các đơn đặt hàng cho các loại chất bán dẫn khác nhau đổ về.
Một nguyên nhân chính của sự tắc nghẽn đến từ cấu hình ngang của ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó sản xuất và phát triển là riêng biệt, với mỗi nhà sản xuất chuyên về một nhiệm vụ cụ thể.
Các nhà sản xuất chip thường đặt hàng với các nhà sản xuất theo hợp đồng thay vì tự sản xuất chip. Cần có thời gian để sản xuất chất bán dẫn trong khi cấu hình lại dây chuyền để phù hợp với các thông số kỹ thuật khác nhau, khiến việc sản xuất các chip khác nhau cùng một lúc rất khó khăn.
Các nhà phân tích nói rằng những sự kiện trong quá khứ từng tác động tới chuỗi cung ứng của Hyundai và khiến họ phải dừng sản xuất đã trở thành kinh nghiệm giúp hãng bảo tồn lượng hàng trong kho nhiều nhất có thể.
Một nguồn tin cho biết: "Giống các hãng khác, Hyundai cũng lên kế hoạch giảm sản lượng hồi đầu năm do Covid-19. Nhưng đoán trước về sự thiếu hụt chip, họ quyết định rằng 'nếu chúng ta không mua kịp, chúng ta sẽ gặp rắc rối'".
Các hãng sản xuất chip - những đơn vị cung ứng cho các hãng ôtô - thường ưu tiên đơn hàng từ những khách hàng chiếm gần hết thu nhập của mình.
Trong 2020, Hyundai mua chip ít hơn so với 2019. Nhưng hãng đã tăng lượng mua trong quý II/2020.
Hyundai còn nhận được những bài học từ mối quan hệ căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong 2019, với tác động lớn tới việc cung ứng hóa chất đối với những nhà sản xuất chip của Hàn Quốc. Và đầu 2020, khi dịch bắt bắt đầu lan ra từ Trung Quốc, sản xuất đình trị tại các nhà máy của Hyundai và Kia cũng do một phần thiếu cung ứng từ Trung Quốc.
Cũng nhờ việc tiếp tục mua hàng từ các hãng sản xuất chip và cung ứng linh phụ kiện ôtô trên toàn cầu, như Bosch và Continental, trước khi việc thiếu hụt trầm trọng diễn ra, Hyundai vẫn giữ được mức chi phí thấp.
Kim Jin-woo, nhà phân tích ở Korea Investment & Securities, nói: "Điều này giúp Hyundai, trước hết, là đảm bảo lượng chip, và thứ hai, là mua được lúc giá rẻ hơn".
Ngoài ra, Hyundai cũng có các nhà cung ứng địa phương nhiều hơn các đối thủ. Ba trong số đó - gồm Telechips, có hợp đồng sản xuất cho Samsung Electronics - dường như ưu tiên Hyundai, hãng mà họ kiếm được phần lớn thu nhập, các nhà phân tích nêu rõ.
Một nguồn tin khác nói, rằng những quyết định mua hàng của Hyundai được đa dạng hóa cho nhiều nhà cung ứng dù chỉ với một loại chip kể từ cuối 2020.
Trong một thông báo đưa ra hôm 25/2, Hyundai cho biết kế hoạch tạm dừng hoạt động tại một nhà máy ở Hàn Quốc trong 5 ngày của tháng 3 nhằm điều chỉnh lượng hàng tồn kho của một số mẫu xe.
Nhằm cứu vãn lượng chip, Hyundai cũng điều chỉnh sản lượng của những mẫu xe doanh số thấp, như Sonata. Tại Hàn Quốc, mẫu sedan cỡ D chỉ bán được 67.440 chiếc trong 2020, so với 145.463 chiếc Grandeur, mẫu sedan ăn khách nhất của Hyundai.
Theo một tài liệu nội bộ, Hyundai dự kiến gặp tình trạng thiếu linh kiện vào quý III, và Kia từng nói hồi tháng Một, rằng từ tháng 10/2020, hãng cũng phải xem xét lại chuỗi cung ứng nhằm ngăn ngừa việc đình trệ sản xuất.
Nhưng vẫn dấy lên những lo ngại ở Hyundai. Hãng kiểm tra hàng trong kho thường xuyên hơn và cố gắng chốt các hợp đồng sớm hơn. Dù đã đảm bảo được một lượng chip lớn, tình hình đang dần trở nên khó khăn hơn.
Mỹ Anh (theo Reuters)