"Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào có trao đổi chính thức với Đài Loan và kiên quyết phản đối việc khu vực Đài Loan gia nhập bất kỳ hiệp ước hoặc tổ chức chính thức nào", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.
Tuyên bố được đưa ra sau khi chính quyền đảo Đài Loan nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Một tuần trước đó, Trung Quốc cũng nộp đơn xin gia nhập hiệp định này.
"Đài Loan không thể bị bỏ lại trên thế giới và phải hội nhập nền kinh tế khu vực", phát ngôn viên chính quyền Đài Loan Lo Ping-cheng nói.
Các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP, ban đầu do Mỹ dẫn dắt, như một cách gia tăng ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cựu tổng thống Donald Trump, người không thích các thỏa thuận đa phương, đã rút khỏi TPP năm 2018.
Nhật trở thành nước đi đầu quá trình điều chỉnh, sau đó đổi tên, đồng thời ký kết thành công hiệp định vào năm sau đó. CPTPP hiện gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam. CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019.
Australia tuần này cho biết Trung Quốc phải chấm dứt tình trạng đóng băng liên lạc với các chính trị gia cấp cao Australia nếu muốn gia nhập CPTPP. Trong khi đó, Nhật Bản phản hồi tích cực với đề xuất của đảo Đài Loan.
"Nhật Bản hoan nghênh việc Đài Loan xin gia nhập CPTPP", Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi nói với phóng viên tại New York hôm 22/9.
Đài Loan không thể tham gia nhiều tổ chức quốc tế vì chính sách "Một Trung Quốc", trong đó coi hòn đảo là phần lãnh thổ chờ thống nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, hòn đảo được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) phê duyệt tư cách thành viên.
Huyền Lê (Theo AFP)