Ngày 20/7, chính quyền Trung Quốc bắt đầu tiến hành dỡ bỏ một số công trình trong trung tâm nghiên cứu Phật giáo và khu nhà ở của Học viện Phật Giáo Larung Gar, nằm trong thung lũng Larung, Tây Tạng. Trên thực tế, kế hoạch phá dỡ là vào ngày 25/7 nhưng chính phủ Trung Quốc thực hiện sớm hơn 5 ngày.
Theo RFA, một nhà sư giấu tên cho biết: “Việc phá dỡ Học viện Phật giáo Tây Tạng Larung Gar được thực hiện vào 8h sáng, bắt đầu với những khu nhà mà chính quyền không cho phép lưu trú”.
Lãnh đạo Học viện Larung Gar kêu gọi tăng ni không chống lại hành động của chính quyền. Vì thế công việc vẫn đang được tiến hành mà không có bất kỳ sự chống cự nào.
Ngày 8/6, chính quyền Trung Quốc thông báo kế hoạch giảm dân số tại đây. Hiện nay học viện có khoảng 10.000 tăng ni thường trú, con số tạm trú có thể gần 40.000 người. Việc phá dỡ là một phần trong chiến dịch giảm quy mô dân số nơi này xuống còn 5.000 người vào tháng 9/2017 theo lệnh của chính quyền. Đã có 60-70% ngôi nhà bị đánh dấu phá bỏ.
AP dẫn lời một viên chức địa phương không nêu tên cho biết chính quyền "không phá dỡ mà chỉ làm mới các ngôi nhà". Các ngôi nhà gỗ nhỏ này là nơi cư ngụ của các tăng ni sinh, thường tới Học viện tu tập thời gian ngắn.
Chính quyền Trung Quốc từng bày tỏ sự lo ngại đối với dân số ngày càng tăng nhanh của Học viện, khiến nảy sinh các vấn đề về an toàn và hỏa hoạn. Trên thực tế, lệnh dỡ bỏ đã nảy sinh từ năm 2001, khi chính quyền địa phương đuổi hàng nghìn tăng ni sinh và buộc hơn 1.000 ngôi nhà ở Larung Gar phải di dời. Tuy nhiên, trước sự phản đối dữ dội từ phía người dân, Học viện vẫn được giữ nguyên và phát triển đến ngày nay.
“Tương lai đen tối đang treo trên đầu chúng tôi. Hiện tất cả tăng ni chỉ còn lại nỗi buồn và đau khổ”, một nhà sư chia sẻ. “Không biết bao nhiêu khu nhà đã bị dỡ xuống vì chúng tôi thậm chí còn không được phép tới gần”.
Nằm giữa thung lũng Larung trên cao nguyên Tây Tạng, cách thị trấn Sertar 15 km, Học viện Phật giáo Larung Gar là trung tâm Phật giáo lớn nhất và có sức ảnh hưởng nhất thế giới. Học viện đã đóng cửa với du khách nước ngoài kể từ ngày 16/6.
Cùng ngày hôm nay, Panchen Lama, người có vị trí thứ hai trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, có một buổi thuyết giảng thu hút khoảng 50.000 người. Đây là sự kiện lần đầu tiên diễn ra trong 50 năm qua ở Trung Quốc, theo Xinhua.
Ảnh Học viện Phật giáo Larung Gar
Trước kia, Larung Gar và Học viện Phật giáo là một địa điểm nhạy cảm và không cho phép du khách nước ngoài vào. Tuy nhiên, từ năm 2011, Sertar và Larung Gar mở cửa và chào đón tất cả du khách trên thế giới. Kể từ đó cho đến nay, nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn và thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm. Thành phố gần nhất là Thành Đô, từ đây, khách có thể đi ô tô và mất khoảng 11-13 giờ để tới Larung. Tọa lạc ở độ cao 4.000 m nên nhiệt độ ở Larung Gar rất thấp. Lịch trình lý tưởng đó là từ Thành Đô, du khách bắt xe buýt tới Kangding (330 km, có nhiều chuyến xe trong ngày), nghỉ từ một đến hai đêm ở Kangding, sau đó bắt xe đi tới Garze (385 km, duy nhất một chuyến xe trong ngày) rồi đáp một chuyến xe buýt hoặc taxi khác tới Sertar và Larung Gar (khoảng 150 km) |