"Lập luận về thứ được gọi là 'sự tách biệt' bất khả thi và không hợp lý. Đó là một ngõ cụt không dẫn tới đâu. Bất cứ nỗ lực nào nhằm tách biệt với Trung Quốc cũng đồng nghĩa với tách khỏi nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai", Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto, tổ chức tại thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, hôm 24/8.
Ông Vương cho rằng nỗ lực tách biệt nền kinh tế hai nước của Washington đi ngược lại các quy tắc thị trường cũng như lợi ích của doanh nghiệp, cuối cùng gây tổn hại cho chính Mỹ, đồng thời kêu gọi châu Âu chống lại "sự bắt nạt đơn phương" về kinh tế.
"Là những quốc gia độc lập, đương nhiên chúng ta phải bảo vệ chủ quyền kinh tế của mình, bao gồm cả chủ quyền về mạng kỹ thuật số. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên đóng cửa thị trường của mình với nước khác", ông Vương nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc hoan nghênh tuyên bố của Hungary, rằng mạng 5G của tập đoàn viễn thông Huawei không tiềm ẩn mối đe dọa an ninh quốc gia nào. Trong khi đó, Mỹ hôm 17/8 bổ sung thêm 38 chi nhánh của Huawei vào "danh sách đen", nâng con số này lên 152. Bất chấp sự phủ nhận của Huawei, giới chức Mỹ vẫn cáo buộc tập đoàn này có thể gây rủi ro an ninh bởi có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc.
Ông Vương đưa ra các bình luận ngay trước khi lên đường thăm Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi Covid-19 bùng phát, dự kiến kéo dài một tuần, ông Vương được cho là sẽ thuyết phục các lãnh đạo châu Âu tiếp tục mở cửa với doanh nghiệp Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ gia tăng áp lực lên các công ty công nghệ và truyền thông của họ, như Huawei, ByteDance hay Tencent.
Tuy nhiên, Mỹ - Trung vẫn nhất trí thúc đẩy thực hiện thỏa thuận thương mại Giai đoạn một trong cuộc điện đàm hôm nay giữa Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, bất chấp một loạt căng thẳng.
Phía Washington khẳng định hai bên đều "nhìn thấy sự tiến bộ và cam kết thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo thành công của thỏa thuận". Trong khi đó, Bắc Kinh cũng hoan nghênh "cuộc đối thoại mang tính xây dựng" giữa hai bên.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)