Các thực thể gồm Sở Công an khu tự trị Tân Cương, 19 cơ quan trực thuộc chính quyền và 8 công ty, bị liệt vào danh sách đen thương mại và sẽ bị cấm mua sản phẩm Mỹ, theo thông báo ngày 7/10 của Bộ Thương mại Mỹ.
Các cơ quan, tổ chức trên bị Mỹ cáo buộc liên quan "vi phạm nhân quyền và ngược đãi" trong "chiến dịch đàn áp" của Trung Quốc ở Tân Cương, giam hàng loạt và giám sát công nghệ cao đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố nước này không dung thứ cho "sự đàn áp" các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc.
Theo bản cập nhật sẽ được công bố vào 9/10, các công ty trong danh sách đen có công ty sản xuất video giám sát Hikvision và các công ty trí tuệ nhân tạo Megvii Technology, SenseTime. Hikvision, tên gọi đầy đủ là Hàng Châu Hikvision Digital Technology với giá trị thị trường khoảng 42 tỷ USD, tuyên bố họ là nhà sản xuất thiết bị giám sát video lớn nhất thế giới.
Hikvision chưa đưa ra bình luận về động thái của Bộ Thương mại Mỹ. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng chưa phản ứng trước sự việc. Bộ Thương mại Mỹ khẳng định việc đưa các thực thể Trung Quốc vào danh sách đen không liên quan đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Các nhóm nhân quyền nói rằng Trung Quốc giam khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo thiểu số khác trong các trại cải huấn ở Tân Cương, thậm chí ngược đãi họ. Trung Quốc ban đầu phủ nhận sự tồn tại các trại cải huấn, nhưng sau đó nói rằng đó là "trường đào tạo nghề" cần thiết để kiểm soát khủng bố, đồng thời yêu cầu các nước không can thiệp vấn đề nội bộ.
Phó tổng thống Mike Pence và những quan chức khác đã chỉ trích mạnh mẽ vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. 43 nghị sĩ Mỹ hồi tháng 4 gửi thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo cùng các quan chức hàng đầu kêu gọi chính quyền tăng cường vạch trần hành vi của những nhóm người Trung Quốc liên quan đến việc "vi phạm nhân quyền ở Tân Cương" và trừng phạt Trần Toàn Quốc, bí thư đảng ủy Tân Cương.
Huyền Lê (Theo AFP, Guardian)