"Công tác tổ chức hội nghị vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, do đó Trung Quốc khó mà tham dự", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.
Bà Mao không nói cụ thể những vướng mắc đang cản trở nước này tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine sắp diễn ra ở Thụy Sĩ. Hiện chưa rõ nếu các yêu cầu này được đáp ứng, Trung Quốc có cử đại diện tham gia hội nghị hay không.
Reuters trước đó cùng ngày dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc đã thông báo với các nhà ngoại giao Thụy Sĩ rằng Bắc Kinh sẽ không tham dự hội nghị.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về xung đột Ukraine dự kiến diễn ra tại thành phố Lucerne, Thụy Sĩ ngày 15-16/6 mà không có sự tham dự của Nga. Ukraine muốn coi hội nghị là nơi để gây áp lực lên Nga và thúc đẩy hòa bình theo sáng kiến của Kiev. Moskva bác bỏ và tuyên bố sự kiện này "vô nghĩa".
Hơn 80 quốc gia trong số 160 phái đoàn được mời đã xác nhận sẽ tham dự hội nghị, theo thông báo từ Kiev. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 26/5 cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nên tham dự sự kiện.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, bà Mao Ninh nhấn mạnh bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào về hòa bình Ukraine đều cần sự hiện diện của Nga.
"Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng hội nghị hòa bình quốc tế cần có sự công nhận của Nga và Ukraine, sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận thẳng thắn về mọi kế hoạch hòa bình. Nếu không, hội nghị khó có thể đóng vai trò thực chất trong việc vãn hồi hòa bình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Bà Mao nói thêm rằng Trung Quốc sẽ "thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình theo cách riêng của chúng tôi, duy trì liên lạc với tất cả các bên và cùng nhau xây dựng điều kiện cho một giải pháp chính trị để giải quyết khủng hoảng Ukraine".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bày tỏ ủng hộ Trung Quốc tổ chức hội nghị hòa bình giải quyết khủng hoảng tại Ukraine. Theo ông, nếu được Trung Quốc tổ chức, hội nghị sẽ "là sự nối tiếp các nỗ lực tạo điều kiện giải quyết khủng hoảng".
Các nhà ngoại giao Trung Quốc và Brazil ngày 23/5 công bố "đồng thuận 6 điểm" về lập trường trong tìm kiếm giải pháp chính trị cho xung đột Ukraine, trong đó khẳng định đối thoại và đàm phán là con đường khả thi duy nhất. Hai nước ủng hộ tổ chức hội nghị quốc tế hòa bình vào thời điểm phù hợp, được cả Nga lẫn Ukraine công nhận.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)