"Nền kinh tế đang đối mặt nhiều thách thức mới, chủ yếu do nhu cầu nội địa suy giảm, hàng loạt doanh nghiệp vận hành khó khăn, rủi ro ẩn chứa trong những lĩnh vực then chốt và môi trường phức tạp ở ngoài nước", hãng tin Xinhua dẫn nội dung báo cáo trong cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì hôm nay.
Giới chức Trung Quốc cho rằng chuyển đổi từ giai đoạn phòng chống đại dịch Covid-19 về trạng thái bình thường đã diễn ra trôi chảy, nhưng hồi phục kinh tế vẫn là quá trình nhiều chông gai.
"Nền kinh tế vẫn có tiềm năng và sức chống chịu lớn, các yếu tố cơ bản nhằm cải thiện về dài hạn không thay đổi. Các lãnh đạo cam kết tăng cường điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô, tập trung vào mở rộng nhu cầu trong nước, đẩy mạnh niềm tin và hạn chế rủi ro, cũng như không ngừng thúc đẩy các chiến dịch cải thiện kinh tế", báo cáo có đoạn.
Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy mua sắm ôtô, thiết bị điện tử và gia dụng, cũng như hoạt động du lịch để phục vụ mục tiêu này.
Bắc Kinh hồi giữa tháng thông báo kinh tế quý II năm 2023 tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này thấp hơn mức 7,1% được một số chuyên gia dự đoán trong khảo sát của hãng tin AFP.
Tăng trưởng quý II năm 2023 tăng 0,8% so với quý I năm 2023. Con số này thấp hơn nhiều mức tăng trưởng quý I năm 2023 đã đạt được so với quý IV năm 2022 là 2,2%. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp cũng đạt mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6, tăng lên so với mức 20,8% trước đó một tháng.
Lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc cũng gặp khó khăn, khi các doanh nghiệp không thể hoàn thành những dự án nhà ở theo đúng kế hoạch, khiến nhiều người dân phản đối.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, một trong những mức thấp nhất từng được nước này đưa ra suốt hàng chục năm qua. Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Cường cảnh báo đây vẫn không phải mục tiêu dễ thực hiện.
Vũ Anh (Theo Xinhua, AFP)