"Tại hội nghị ở Trại David, các lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã bôi nhọ, công kích chúng tôi về các vấn đề liên quan Đài Loan và hàng hải, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ, cố tình gieo rắc bất hòa giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 21/8 cho hay.
Sau hội nghị thượng đỉnh tại Trại David ngày 18/8, lãnh đạo Mỹ - Nhật - Hàn ra tuyên bố chung phản đối cách hành xử "hung hăng và nguy hiểm" của Trung Quốc trong các tranh chấp hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các lãnh đạo cũng tái cam kết ủng hộ hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, nhận định đây là "thành tố không thể tách rời đối với an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế". Tuyên bố chung khẳng định lập trường của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề Đài Loan không thay đổi, đồng thời kêu gọi hai bờ eo biển giải quyết các vấn đề tồn đọng bằng biện pháp hòa bình.
"Trung Quốc bày tỏ quan điểm cực kỳ không hài lòng, kiên quyết phản đối và giao thiệp nghiêm khắc với các bên liên quan", ông Uông nhấn mạnh.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nếu các quốc gia liên quan thực sự quan tâm đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, "họ nên tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc, ngừng dung túng và ủng hộ những phần tử ly khai ủng hộ độc lập Đài Loan, đồng thời có hành động cụ thể để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực".
"Vấn đề Đài Loan hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc. Giải quyết vấn đề Đài Loan là việc riêng của Trung Quốc", ông Uông nói thêm.
Trước khi hội nghị diễn ra, ông Uông Văn Bân nói rằng "những nỗ lực thành lập bè phái và nhóm nhỏ độc quyền, đưa các khối đối đầu và quân sự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương là không được hoan nghênh và sẽ khiến các quốc gia trong khu vực lo ngại, phản đối".
Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn lời Lu Chao, chuyên gia về các vấn đề bán đảo Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, cho rằng hội nghị thượng đỉnh "rõ ràng là nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm ràng buộc Nhật Bản và Hàn Quốc vào cỗ xe của họ, đặc biệt với vai trò những con tốt, nhằm theo đuổi chiến lược thế hệ mới của Mỹ".
Đây là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn - Nhật đầu tiên trong lịch sử, bởi các cuộc gặp ba bên trước đó đều diễn ra bên lề các sự kiện đa phương, và cũng là lần đầu ông Biden tiếp đón lãnh đạo nước ngoài tại Trại David kể từ khi nhậm chức năm 2021.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Á, gần đây mới cải thiện quan hệ sau nhiều tranh cãi, bất đồng mang tính lịch sử liên quan đến vấn đề "lao động cưỡng bức" trong Thế chiến II.
Giới quan sát cho rằng đây là thời cơ thuận lợi để Tổng thống Biden tạo ra chất keo củng cố vững chắc mối quan hệ vừa được hàn gắn giữa hai đồng minh thân cận, đồng thời tạo dấu ấn trong quan hệ đối ngoại.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters, Global Times)