Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 2-3/5 đến Bình Nhưỡng và gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hai tháng sau khi ông Kim đến Bắc Kinh. Sự kiện này đánh dấu chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của một ngoại trưởng Trung Quốc trong 11 năm.
Trung Quốc nắm giữ đòn bẩy kinh tế đáng kể với Triều Tiên nhưng trong cuộc cạnh tranh chiến lược đang gia tăng với Mỹ, Bắc Kinh lo ngại rằng ông Kim đang sử dụng sự cạnh tranh đó để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, theo NYTimes.
Các chuyên gia về Trung Quốc nhận định rằng một trong những nhiệm vụ của ông Vương là ngăn ông Kim ngả về hướng Mỹ khi Mỹ - Triều dự kiến họp thượng đỉnh vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. "Bắc Kinh có thể muốn đảm bảo rằng Bình Nhưỡng sẽ không phát triển mối quan hệ với Washington gần gũi hơn với Bắc Kinh", Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, nói. "Chuyến thăm của ngoại trưởng Trung Quốc là một phần của nỗ lực đó".
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc hẳn đã phật lòng khi họ bị gạt sang bên lề trong các diễn biến mới về bán đảo Triều Tiên. Lãnh đạo Hàn - Triều ngày 27/4 họp với nhau và ra tuyên bố chung về kế hoạch đàm phán để đạt được hiệp ước hòa bình nhằm chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Tuyên bố này đề cập đến khả năng đàm phán "3 hoặc 4 bên". Nếu cuộc đàm phán chỉ có 3 bên thì nó sẽ gồm Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ còn Trung Quốc, nước từng gửi hàng triệu binh sĩ đến hỗ trợ Triều Tiên trong chiến tranh, sẽ bị loại khỏi các cuộc thảo luận.
Ngoài ra, Kim Jong-un đã mời các chuyên gia Hàn Quốc và Mỹ đến kiểm chứng việc nước này đóng cửa cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri vào cuối tháng nhưng không mời Trung Quốc dù cơ sở đó nằm gần nước này. "Người Trung Quốc phật lòng vì Trung Quốc là một quốc gia hạt nhân mà không được mời đến, trong khi Hàn Quốc được mời dù không sở hữu vũ khí loại này". Paul Haenle, giám đốc trung thâm Carnegie-Tsinghua về chính sách toàn cầu, bình luận.
Vương Nghị có thể đến Triều Tiên để gửi đi lời nhắc nhở rằng Trung Quốc là bạn thực sự của họ, dù quan hệ giữa hai bên đã suy giảm trong 6 năm qua kể từ khi ông Kim lên nắm quyền, Xia Yafeng, sử gia Trung Quốc tại Đại học Long Island đánh giá.
"Vương Nghị có nhiệm vụ là phối hợp dàn xếp với người Triều Tiên về cách nói chuyện với Trump", Xia nhận xét. "Ông ấy có thể tư vấn cho Triều Tiên nhưng không thể đe dọa họ. Ông ấy có thể đã nói: 'Hãy cẩn thận khi nói chuyện với Trump. Chúng tôi sẽ luôn về phe của các anh".
Trung Quốc đã miễn cưỡng tuân theo các trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên nhằm khiến Bình Nhưỡng khó kiếm được ngoại tệ thông qua bán than, khai thác khoáng sản, hải sản và hàng may mặc. Nhưng Bắc Kinh có thể đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt này, theo ông Zhao.
Các doanh nhân ở khu vực đông bắc Trung Quốc, giáp biên giới với Triều Tiên, nói rằng một số lao động Triều Tiên đang trở về Trung Quốc bằng thị thực ngắn hạn và họ dự đoán giao dịch thương mại giữa hai bên sẽ tăng trở lại.
"Tôi có thể tưởng tượng Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu các lựa chọn để tăng cường hợp tác kinh tế với Triều Tiên ở những hạng mục không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc", Zhao nói.
Sun Xingjie, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Đại học Cát Lâm, Trung Quốc nhấn mạnh chuyến thăm của ông Vương tới Bình Nhưỡng nhằm củng cố tầm quan trọng của Bắc Kinh với tình hình bán đảo Triều Tiên. "Chuyến thăm của ông Vương nhằm tái khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ không bị ngồi ngoài lề", ông nói.
Phương Vũ