Theo nguồn tin từ 3 công ty lữ hành, tuy vắng bóng du khách tứ phương, doanh thu của ngành du lịch tại miền núi linh thiêng này vẫn phát triển mạnh mẽ.
Việc đóng cửa với khách nước ngoài đã được thực hiện hàng năm kể từ 2008, khi thủ phủ Lhasa của Tây Tạng rung chuyển bởi những làn sóng bạo động trong cuộc biểu tình chống chính quyền Bắc Kinh.
Các nhà chức trách ra lệnh dừng các hoạt động cấp thị thực cho khách nước ngoài nhằm đảm bảo an ninh trong thời gian xảy ra bất ổn chính trị định kỳ.
Phản ứng trước động thái đó, các công ty lữ hành và khách sạn của Tây Tạng khẳng định sắc lệnh này không ảnh hưởng tới việc kinh doanh dịch vụ du lịch. Họ cho biết khách nội địa vẫn đổ xô tới đây để chiêm ngưỡng vùng đồng cỏ và những miền núi phủ tuyết trắng xóa.
Theo số liệu của Ủy ban phát triển du lịch Tây Tạng, có tới 17,5 triệu lượt khách ghé thăm khu vực tự trị này trong 9 tháng đầu năm 2015, cao hơn 36% so với năm 2014.
Chloe Xin, nhân viên Công ty lữ hành tại Tây Tạng, cho biết khách nước ngoài cần được cấp giấy phép đặc biệt để nhập cảnh. Cô xác nhận về thời gian đóng cửa du lịch Tây Tạng với khách quốc tế song vẫn không rõ nguyên nhân.
Một nhân viên đại lý du lịch khác tại Thành Đô bí mật tiết lộ thời gian này Tây Tạng không tiếp đón khách quốc tế vì "những lý do chính trị".
Mei Zhang, chủ một công ty du lịch, cho biết lệnh cấm sẽ ảnh hướng ít nhiều đến việc làm ăn của doanh nghiệp cô đứng đầu, tuy nhiên công ty này cũng ngừng nhận đặt tour đi Tây Tạng vào tháng 3 tới. Dù hầu hết khách hàng của Zhang là người nước ngoài, song đối với cô, Tây Tạng vẫn là vùng đất thiêng thu hút người trẻ Trung Quốc với thế giới tâm linh huyền bí, nền văn hóa ngoại lai và cảnh sắc tuyệt đẹp.
Trái với xu hướng du lịch nước ngoài của người Trung Quốc với 120 triệu lượt khách vào năm 2015, khách quốc tế đến với Trung Quốc lại duy trì ở ngưỡng không tăng hoặc giảm nhiều năm qua.
Cô Zhang cho rằng Trung Quốc không còn là một điểm đến hấp dẫn, bởi giờ đây chất lượng không khí mới là vấn đề khách hàng của cô quan tâm nhất. Trái lại, môi trường chưa bao giờ là vấn đề đáng lo ngại đối với Tây Tạng, đây cũng chính là một phần lý do khách nội địa chuyển hướng sang du lịch miền tự trị này thay vì những thành phố ô nhiễm.
Phạm Huyền