Tại đồn cảnh sát ở Hàng Châu, thành phố biển phía Đông tỉnh Chiết Giang, Shi xuất hiện trong bộ dạng kham khổ, mặc bộ áo quần đã cũ. Ông vừa khóc vừa khai rằng đã lẩn trốn 24 năm qua, sau khi giết một người cùng làng vào năm 1996.
Nhưng khi cảnh sát hỏi tại sao không tiếp tục lẩn trốn, Shi nói rằng ông không có chứng minh nhân dân và smartphone, nghĩa là ông không có mã QR sức khỏe. Mã này được xem là "giấy thông hành" khi Covid-19 xảy ra, đồng nghĩa với việc không thể đến nhà hàng, quán ăn hoặc những nơi công cộng khác.
Theo lời khai, Shi đến tìm việc tại Hàng Châu từ ngày 1/5, nhưng mọi nơi đều yêu cầu ông phải xuất trình chứng minh nhân dân và đặc biệt là phải có mã QR màu xanh - dấu hiệu cho thấy không bị nhiễm Covid-19. Do không có cả hai, ông đã phải lang thang trên phố nhiều ngày trước khi ra đầu thú.
Khi Covid-19 bùng phát, chính quyền Trung Quốc đã triển khai hệ thống nhận diện và theo dõi sức khỏe bằng mã QR. Màu xanh biểu thị người không nhiễm Covid-19 và có thể tự do di chuyển trong thành phố; màu vàng là từng tiếp xúc với người nhiễm và phải tự cách ly tại nhà 7 ngày; còn màu đỏ phải trải qua kiểm dịch, cách ly có giám sát trong 14 ngày.
Để nhận mã QR, người dân phải điền thông tin cá nhân bao gồm tên, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu và điện thoại khi vào trang đăng nhập. Sau đó, họ phải khai cáo về lịch sử di chuyển của mình cũng như trả lời câu hỏi có tiếp xúc với người bị dương tính hoặc nghi nhiễm Covid-19 trong 14 ngày qua. Hệ thống được tích hợp bên trong ứng dụng thanh toán di động Alipay của Alibaba và WeChat của Tencent.
Hệ thống này được đánh giá là công cụ hữu ích để chính quyền Trung Quốc phát hiện, kiểm soát và ngăn chặn Covid-19. Tuy nhiên, nó cũng là chủ đề gây tranh cãi, khi một số người có mã màu vàng hoặc đỏ phàn nàn rằng họ không thể "đổi màu" dù đã hết thời gian cách ly, trong khi số khác cũng gặp khó khăn khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Bảo Lâm (theo SCMP)