Mặc dù có dân số lớn nhất và nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng Trung Quốc thường bị gạt ra ngoài lề trong các vấn đề quan trọng nhất hiện nay, gần đây nhất là chiến tranh Iraq. Suốt hơn một thập kỷ, nước này coi căng thẳng Mỹ - CHDCND Triều Tiên là một di sản thời Chiến tranh Lạnh và hai bên phải tự giải quyết.
Quyết định làm trung gian trong cuộc hội đàm hạt nhân chứng tỏ sự quan ngại trong ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc. Bắc Kinh lo Bình Nhưỡng có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát, trong khi Mỹ và CHDCND Triều Tiên bị kẹt với những quan điểm trái ngược. Các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh quyết định họ có một vị trí duy nhất để tạo sự khác biệt vì mối quan hệ lâu nay với CHDCND Triều Tiên, nước láng giềng và một thời là đồng minh chính trị quân sự, và họ đang cải thiện quan hệ với chính quyền Bush.
Sau vụ tấn công 11/9, Trung Quốc đề nghị giúp Washington trấn áp chủ nghĩa khủng bố ở Trung Á. Khu vực này từ lâu đã là mối quan tâm của Bắc Kinh vì họ kiểm soát khu vực Hồi giáo bất ổn Tân Cương. Trong khi đó, sau khi phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu, chính quyền Bush cũng từ bỏ quan điểm Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng.
Cuộc khủng hoảng CHDCND Triều Tiên có thể đã chấm dứt chính sách đối ngoại tự mãn của Bắc Kinh. Theo các chuyên gia, Bắc Kinh bắt đầu chấp nhận thông tin tình báo mà Mỹ đưa ra hồi mùa xuân là Bình Nhưỡng đã phát triển 1-2 quả bom nguyên tử. Các quan chức Trung Quốc cũng lo ngại chính quyền Bush, được chiến thắng chóng vánh ở Iraq khuyến khích, đang xem xét sử dụng vũ lực trên bán đảo Triều Tiên, nơi Trung Quốc tham chiến cách đây 50 năm. "Tình hình khẩn cấp đến mức ban lãnh đạo Bắc Kinh quyết định tham gia giải quyết", Shi Yinhong, chuyên gia chính sách đối ngoại ĐH Nhân dân (Bắc Kinh), nói.
Theo các nhà phân tích, vai trò chủ động của Bắc Kinh phản ánh phương pháp hội nhập quốc tế mới, tương tự với sự nổi lên của Mỹ với tư cách cường quốc thế giới cách đây gần một thế kỷ. "Trung Quốc đang bắt đầu hoạt động giống như một nước lớn. Họ phải bảo vệ lợi ích ở ngoài biên giới", Yan Xuetong, chuyên gia nổi tiếng về chính sách đối ngoại ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh), nói. "Tôi hy vọng cuộc hội đàm này sẽ được ghi nhớ là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử vì những lý do đó".
Đàm phán 6 bên đánh dấu vai trò lớn nhất của Trung Quốc cho đến nay trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động ra các lĩnh vực khác. Mùa xuân năm nay, Trung Quốc thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á thiết lập một khu tự do thương mại chung, theo kiểu Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ. Bắc Kinh cũng bắt đầu sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ, lên tới hơn 320 tỷ USD, để mở rộng các khoản vay phát triển cho những nước nghèo hơn, trong đó có khoản vay cả gói 150 triệu USD cho Việt Nam và 400 triệu USD cho Indonesia.
Về mặt khu vực, một liên minh mà Bắc Kinh thiết lập với Nga và 4 nước Trung Á khác có vẻ đã đạt được đà thúc đẩy. Mùa hè vừa qua, các thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã tiến hành tập trận chung để thực hành các cuộc tấn công nhằm vào khủng bố.
"Vai trò lãnh đạo mới rõ ràng chứng tỏ mong muốn đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế của Trung Quốc", Chung Chong Wook, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, người giúp tổ chức hội đàm hạt nhân hồi tháng 4, nhận định. "Bắc Kinh đã tự tin hơn nhiều so với trước".
Nguyễn Hạnh (theo NYT)