Con số này gấp hơn 7 lần năm 2015. Tuy nhiên, dù nhiều thương vụ đã bị bỏ, nghiên cứu của Baker McKenzie và Rhodium vẫn cho thấy đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ và châu Âu tăng hơn gấp đôi, lên kỷ lục 94,2 tỷ USD năm 2016.
Các công ty muốn bán tài sản tại châu Âu và Mỹ đang ngày càng ngại thực hiện thương vụ lớn với người mua Trung Quốc, Financial Times trích lời các nguồn tin thân cận cho biết. "Người Trung Quốc đang ngày càng chuyên nghiệp hơn rồi. Tuy nhiên, người bán muốn ưu tiên hơn cho các đối tác ngoài Trung Quốc, do các lệnh kiểm soát vốn tại nước này", một nguồn tin cho biết.
Trung Quốc năm ngoái đã bị rút vốn kỷ lục, do các dự báo đồng NDT tiếp tục yếu đi so với USD và tăng trưởng trong nước chậm lại sẽ khiến đầu tư chuyển hướng. Giới phân tích tỏ ra lo lắng khi Bắc Kinh liên tục bán USD để hạn chế đà tăng của nội tệ, khiến dự trữ giảm 320 tỷ USD năm ngoái. Sau đó, để bảo vệ khối dự trữ này, họ lại đặt rào cản khiến các cá nhân và tổ chức Trung Quốc khó thâu tóm công ty nước ngoài.
10 thương vụ tại Mỹ trị giá 58,5 tỷ USD đã bị hủy. Trong đó, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ đã bác thương vụ 3 tỷ USD giữa một tập đoàn Trung Quốc và mảng bóng đèn của Philips tại Mỹ. Lo ngại của giới chức Mỹ cũng khiến Fairchild Semiconductor sau đó từ chối đề nghị 2,6 tỷ USD từ China Resources và Hua Capital.
Trong khi đó, tại châu Âu, 20 thương vụ trị giá 16,3 tỷ USD đã bị hủy. Nổi bật là thương vụ bán hãng sản xuất chip Axixtron cho các nhà đầu tư Trung Quốc, trị giá 670 triệu euro.
Tuy nhiên, các công ty nước này vẫn đang mua sắm với tốc độ kỷ lục so với trước đây. Cách đây 10 năm, tổng số tiền họ đổ ra nước ngoài chỉ là 2,6 tỷ USD.
Thomas Gilles - chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Baker McKenzie cho biết rào cản pháp lý tại Trung Quốc đã khiến triển vọng M&A trong ngắn hạn "nhiều thách thức hơn". Vì thế, việc "đánh giá rủi ro chính trị và chính sách" là rất quan trọng với các công ty hiện nay.
Hà Thu (theo FT)