Các quan điểm về cắt giảm thuế và biện pháp để thúc đẩy công ăn việc làm ở Mỹ vô tình đã tạo ra một cuộc tranh luận dữ dội tại Trung Quốc, cụ thể là tương lai của ngành sản xuất. Chính ngành công nghiệp này đã tạo nên danh tiếng "công xưởng thế giới" của Trung Quốc, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, hiện nó đang bị đè nặng bởi hàng loạt thuế, phí, tiền thuê đất và hàng loạt chi phí hoạt động khác. Gần đây nhất là động thái đầu tư và bình luận của ông Cao Dewang - một trong những nhà tài phiệt giàu nhất Trung Quốc. Cách đây hơn 10 hôm, trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo ở đại lục, ông cho rằng môi trường đầu tư tại Mỹ đang thuận lợi hơn Trung Quốc, dẫn đến một cuộc bàn tán sôi nổi trong giới làm ăn.
Ông Cao Dewang là nhà sáng lập Fuyao Glass, công ty sản xuất kính ôtô hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp cho các hãng danh tiếng như BMW và GM. Công ty này đã đầu tư 1 tỷ đôla tại Mỹ, bao gồm một nhà máy sản xuất kính trị giá 600 triệu USD tại bang Ohio. Theo ông Cao, chi phí sản xuất tại Mỹ đang thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Chi phí điện chỉ bằng một nửa và chi phí vận tải cũng thấp do Mỹ không thu phí đường cao tốc. Dù lương công nhân tại Mỹ cao hơn Trung Quốc ít nhất 8 lần nhưng ông Cao rất lạc quan vì thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ thuận lợi hơn. Hiện nay, thuế thu nhập doanh nghiệp tại nước này là 35%. Sau khi thêm các khoản thuế phí khác thì tổng cộng khoảng 40%. Trong khi đó, dù thuế thu nhập doanh nghiệp ở Trung Quốc chỉ 25% nhưng sau khi thêm đầy đủ các loại thuế phí khác thì cao hơn mức tổng của Mỹ đến 17%. Tóm lại, mọi thứ ở Mỹ đều rẻ hơn Trung Quốc, trừ chi phí lao động.
Hơn thế, ông cũng cho rằng, chi phí lao động của Trung Quốc không còn là lợi thế cạnh tranh. Mặc dù thấp hơn Mỹ nhưng giá nhân công tại Trung Quốc vẫn đang tăng và gần bằng với Nga và các nước đông Âu. Ông Cao nói mình thấy được quyết tâm lớn trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất tại Mỹ với lời hứa của ông Trump sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đến 15%.
Cùng với đó, suy thoái kinh tế đang ngày một thu hẹp lợi nhuận của ngành công nghiệp sản xuất Trung Quốc. Kết quả là, đầu tư khu vực tư nhân, vốn chiếm khoảng 60% GDP nước này đã giảm mạnh trong vài năm qua. Các lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng, ngành công nghiệp sản xuất - thành phần quan trọng của nền kinh tế thực, đang bị xem nhẹ vì dòng vốn đầu cơ vào thị trường chứng khoán, bất động sản và việc ưu tiên chi tiêu cho thương mại điện tử của các chính quyền địa phương.
Tại một hội nghị về kinh tế gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hứa hẹn nhiều bước để hỗ trợ nền kinh tế thực, thông qua cho vay, giảm gánh nặng thuế… Nhưng nói dễ hơn làm. Trong thực tế, kể từ khi làm Thủ tướng vào năm 2013, ông Lý Khắc Cường luôn ưu tiên bãi bỏ bớt quy định và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong bốn năm qua, chính quyền trung ương đã cắt giảm cũng như sắp xếp lại 618 thủ tục hành chính, hơn một phần ba các loại phí được chính quyền địa phương tùy tiện lập ra được bãi bỏ với giá trị hàng trăm triệu nhân dân tệ. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây của Tân Hoa Xã thừa nhận, nạn quan liêu và thủ tục hành chính phiền hà vẫn tồn tại. Hãng thông tấn này trích ví dụ một dự án công nghiệp tại Sơn Đông phải làm tổng cộng đến 160 loại thủ tục kể từ lúc bắt đầu đến hoàn thành.
Zong Qinghou - nhà sáng lập hãng nước giải khát Wahaha của Trung Quốc phát biểu tại một diễn đàn gần đây rằng, theo ước tính riêng ông, các khoản phí và thuế đối với doanh nghiệp trong năm nay đã cao hơn trước. Cũng theo ông Zong, giá bất động sản tăng cao cho thấy các chính quyền địa phương không sẵn lòng để dành đất cho sản xuất công nghiệp mà lại ưu tiên cho các dự án bất động sản hơn.
Trước động thái của ông Trump, vị doanh nhân này kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc nên thực hiện hiệu quả việc giảm thuế và phí, nhất là cải cách chế độ thuế thu nhập cá nhân. Với khung thuế có thể đến 45%, ông Zong và nhiều doanh nhân khác cho rằng con số này là quá mức và bất hợp lý, cần phải giảm xuống để giữ nhân tài.
Trong bầu không khí chính trị hiện nay ở Trung Quốc, hầu hết các ông trùm giàu có ở nước này rất ngại chỉ trích các chính sách của chính phủ. Tuy nhiên, sự lên tiếng của 2 trong số những tài phiệt lớn nhất Trung Quốc đang phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của khu vực tư nhân. Đó là điều giới lãnh đạo nước này nên lưu ý, tờ South China Morning Post kết luận.
Viễn Thông (theo Business Insider)