Dự thảo luật được đưa ra bởi Văn phòng Trung ương và Cục Quản lý không gian ảo của Trung Quốc hồi tháng 1/2017 về việc bắt buộc các máy tính và điện thoại thông minh phải trang bị một phần mềm theo dõi việc chơi game của thanh thiếu niên.
Người chơi cũng được yêu cầu phải sử dụng mã số nhận dạng cá nhân (ID) chính chủ để đăng ký trên các trang game trực tuyến. Về lý thuyết, phần mềm và hệ thống nhận diện ID sẽ nhắc nhở các công ty game trong việc xác định người chưa thành niên vẫn còn online để tắt các tài khoản này đi. Các công ty game không tuân thủ quy định sẽ bị phạt hoặc đóng cửa.
Thông tin này lần đầu được đưa ra từ 9/2016 và gây sự chú ý do hàng loạt trung tâm phục hồi chức năng để chữa trị cho trẻ nghiện game đã được mở ra ở thời điểm đó.
Các chuyên gia cho rằng dự thảo này là biện pháp tốt để ngăn ngừa làn sóng nghiện Internet ở trẻ vị thành niên. Nhưng khả năng thành công của chính sách này đòi hỏi không chỉ là thông tin đăng ký chính xác của người sử dụng mà còn ở hệ thống xác minh, kiểm tra đáng tin cậy. Điều này đã đặt dấu hỏi về tính thực tiễn của dự thảo luật.
Đến tháng 6/2016, tổng số người dùng Internet chưa thành niên ở Trung Quốc vào khoảng 160 triệu, chiếm 23% số người dùng Internet cả nước này. Tuy nhiên, chi phí lớn của việc mua máy tính cũng như kết nối Internet cá nhân dẫn đến sự phổ biến của các quán cà phê Internet ở đây.
Game thủ chết não khi chơi qua đêm tại quán Internet.
Hu Faqing, chuyên gia về tội phạm vị thành niên, cho rằng giới trẻ cần được bảo vệ khi lên mạng online.
"Tỷ lệ người trẻ tuổi sử dụng Internet ở Trung Quốc tương đối cao", ông nói. "Một trong những lý do trẻ em và thanh thiếu niên lên mạng là để tìm hiểu thông tin, vì vậy môi trường trực tuyến cần được hoàn thiện".
Liu Chunquan, luật sư từ một công ty luật tại Thượng Hải, ủng hộ dự thảo và tin tưởng rằng đất nước cần thực hiện các chính sách như vậy bởi trẻ vị thành niên không thể kiểm soát bản thân hiệu quả.
Hiện tại, dù có bộ máy kiểm duyệt nội dung Internet được xem là lớn nhất thế giới bảo vệ người dùng khỏi các nội dung khiêu dâm, bạo lực và phản động về chính trị, chính quyền Trung Quốc vẫn luôn coi các trò chơi video là mối đe dọa tiềm ẩn.
Giáo sư Tao Hongkai, một người ủng hộ việc cấm chơi game, thường xuyên đưa ra các ý kiến nhằm ngăn cản thanh thiếu niên tiếp xúc với môi trường Internet quá nhiều.
"Hầu hết những đứa trẻ chơi game rồi bỏ học, không ăn uống đúng giờ, không đi ngủ đúng lúc", ông nói. "Khiến game không khác gì thuốc phiện. Vấn đề không phải Internet, mà chính là trò chơi. Đầu tiên, là chúng không lành mạnh. Thứ hai là các trò chơi là có nội dung quá lớn, bạn không biết bao giờ trận đấu có thể kết thúc nên những đứa trẻ chơi ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác".
Đáp lại các luồng thông tin này, trên nhiều mạng xã hội như Weibo, nhiều game thủ đã chia sẻ những bình luận phẫn nộ của mình.
Một người dùng viết: "Bố mẹ tôi cũng đang dùng WeChat. Họ đọc rất nhiều thông tin về xã hội và nội dung khoa học xấu. Sao không ai đứng ra đối phó với họ, cấm dùng Internet cho người ở độ tuổi trung niên".
"Lũ trẻ khi lớn lên, đều sẽ đi ra nước ngoài", một người dùng khác bình luận.
Theo báo cáo của CCTV News, Trung Quốc hiện là thị trường game trực tuyến lớn nhất trên thế giới. Năm 2016, doanh thu đạt hơn 24 tỷ USD. Đối với công ty game, nếu các quy định có hiệu lực, doanh thu của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sau nửa đêm vốn là thời gian cao điểm để doanh nghiệp kiếm tiền. Ban ngày, phần đông game thủ phải đi làm hoặc đi học nên tối muộn là lúc tốt nhất để lên mạng, cũng như tham gia các hoạt động sự kiện.
Trên thực tế, có những quy tắc trong game yêu cầu người dùng không chơi liên tục quá ba giờ đồng hồ. Quy định này được đưa ra từ năm 2007. Nhưng Xiao Qi, nhân viên tại một quán game ở Bắc Kinh cho biết biện pháp này hoàn toàn không hiệu quả.
"Hãy nhìn vào những dòng cảnh báo mang tính bắt buộc trên màn hình", anh nói. "Nó chỉ là một đoạn văn bản đặt ở phía dưới, nói rằng những người dưới 16 tuổi phải tránh trở thành con nghiện game. Mọi người không bao giờ đọc những thứ này".
Chính phủ Trung Quốc đang lấy thông tin phản hồi từ người dân về dự thảo và sẽ tiếp tục đưa ra bàn bạc vào cuộc họp chính trị thường niên tháng tới.
Đây không phải lần đầu các quốc gia lớn mạnh tay trong việc thay các bậc phụ huynh quản lý trẻ em trước sức cám dỗ của trò chơi trên Internet. Trước đó, Đức cũng đưa ra quy định yêu cầu các nhà phát triển trò chơi thực hiện các biện pháp ngăn chặn trẻ vị thành niên chơi game online từ 22h hoặc 23h tới 6h sáng.
Năm 2011, Hàn Quốc cũng giới thiệu "luật tắt máy", cấm trẻ em dưới 16 tuổi chơi game từ nửa đêm đến 6h sáng.