Cơ quan Khí tượng Trung Quốc hôm nay cho biết Tứ Xuyên và Cam Túc đang phải hứng chịu đợt mưa lớn mới. Nhiều khu vực ở bờ biển phía đông, gồm Vịnh Bột Hải, Sơn Đông và tỉnh Giang Tô cũng đối mặt với gió mạnh.
Các thành phố cảng Thanh Đảo và Nhật Chiếu ở bờ biển phía đông là những khu vực mới nhất chứng kiến lượng mưa hàng ngày kỷ lục hôm 22/7. Giới chức các tỉnh Giang Tây, An Huy ở hai bên bờ sông Trường Giang cũng đã phát cảnh báo đỏ vào sáng nay.
Bộ Tài nguyên Nước cho biết 93 con sông vẫn trên mức cảnh báo và hồ chứa Tam Hiệp, hồ chứa lớn nhất Trung Quốc, sẽ cần được giám sát chặt chẽ khi nước lũ dâng cao. Tình hình kiểm soát lũ hiện vẫn nghiêm trọng và không thể được nới lỏng dưới bất kỳ hình thức nào.
Các khu vực trên khắp Trung Quốc cũng được lệnh sơ tán khẩn cấp do sạt lở đất, vỡ bờ sông và lũ lụt ở vùng núi. Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng phương pháp khoa học để kiểm soát lũ lụt và đã sử dụng các hệ thống cảnh báo sớm cũng như các đập và hồ chứa để cố gắng giảm thiểu thiệt hại.
Trung Quốc hàng năm đều hứng chịu lũ lụt, đặc biệt tại khu vực miền trung và miền nam, song đợt lũ lụt năm nay lớn bất thường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Mực nước tại 433 sông ở Trung Quốc đạt mức nguy hiểm kể từ tháng 6, trong đó 33 sông đạt mức nước kỷ lục.
Truyền thông Trung Quốc cho biết từ khi mùa lũ bắt đầu hồi tháng 6, hơn 45 triệu người đã bị ảnh hưởng, 142 người chết hoặc mất tích, song khẳng định con số này thấp hơn bình thường. Lũ lụt cũng gây thiệt hại kinh tế lên tới 160 tỷ nhân dân tệ (22,84 tỷ USD), thấp hơn mức trung bình 5 năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lượng mưa lớn nhất trong nhiều thập kỷ đã cho thấy sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào các công trình khổng lồ, như đập Tam Hiệp, để điều tiết và sử dụng nguồn cung cấp nước. Theo giáo sư Darrin Magee chuyên về các vấn đề về nước của Trung Quốc tại Đại học Hobart & William Smith, Mỹ, các con đập chặn dòng phù sa trên sông và làm giảm khả năng hấp thụ nước của các vùng bãi bồi, đất ngập nước ven sông ở hạ lưu.
Huyền Lê (Theo Reuters)