Giới quan sát và giới chức Trung Quốc cảnh báo quan hệ Mỹ - Trung đã bước vào một trong những giai đoạn khó đoán định và nguy hiểm nhất trong hàng chục năm qua. Ưu tiên hàng đầu của giới chức Trung Quốc là tránh đối đầu và xung đột quân sự với Washington trong bối cảnh tình trạng hỗn loạn được dự báo sẽ gia tăng từ nay đến lễ nhậm chức ngày 20/1/2021 của người thắng cử trong cuộc bầu cử năm nay.
Các nhà phân tích chính trị và an ninh Trung Quốc lo ngại một cuộc chạy đua sít sao, dù Tổng thống Trump hay ứng viên đảng Dân chủ Biden thất bại, sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp, hỗn loạn và bạo lực trên thế giới. Các thuyết âm mưu gây bất lợi cho phía Trung Quốc có thể nảy sinh.
"Cả hai ứng viên đều sử dụng Trung Quốc như 'bao cát' trong suốt chiến dịch tranh cử và họ có thể tiếp tục coi Trung Quốc là 'con bài tẩy', đặc biệt là ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc", một cố vấn cho chính phủ Trung Quốc giấu tên nhận định. "Nếu xảy ra khủng hoảng liên quan đến kết quả bầu cử Mỹ, đó sẽ là một giai đoạn nhiều mạo hiểm cho mối quan hệ song phương, khiến cả hai bên nguy cơ tiến tới xung đột, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Trump", ông nói.
Bất chấp sự im lặng của Bắc Kinh với bầu cử Mỹ, nổi bật là hạn chế bình luận về các ứng viên, vấn đề Trung Quốc đã được thúc đẩy là trung tâm của phiên tranh luận tổng thống lần thứ hai. Biden mô tả giới lãnh đạo Trung Quốc là "những người xấu" được Trump "ve vãn" cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Dù không nhiều chuyên gia tin tưởng vào thái độ thù địch cá nhân của Biden với Trung Quốc, quan điểm của ông cho thấy sự thay đổi của đảng Dân chủ và sự đồng nhất giữa hai chính đảng của Mỹ rằng Bắc Kinh là mối đe dọa chính và lâu dài.
Nếu có bài học nào liên quan đến cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng, đó sẽ là việc Trung Quốc ngày càng được xem là vấn đề đối nội với người Mỹ. "Không ứng viên nào được phép không đưa ra quan điểm về mối quan hệ với Trung Quốc", Deng Yuwen, cựu biên tập viện tờ Study Times của Trường Đảng Trung ương, Trung Quốc, hiện là nhà quan sát làm việc tại Mỹ, bình luận.
Deng cho rằng, thời điểm 2-3 tháng tới có lẽ là giai đoạn nguy hiểm nhất trong quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt nếu Biden thắng sít sao. "Trump sẽ đổ lỗi cho Trung Quốc nếu ông ấy thất bại, bởi đối với Trump, việc tái trúng cử dường như là chắc chắn nếu không có dịch bệnh Covid-19", ông nói. "Nếu Trump nghĩ ông ấy có thể hưởng lợi từ sự hỗn loạn, hẳn là ông ấy có thể khuấy động các vấn đề hoặc thậm chí cố tình khiêu khích Trung Quốc cuốn vào xung đột. Sẽ có những bất ngờ tháng 11 hoặc tháng 12 dành cho chúng ta".
Tuy nhiên, Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) lại không đồng tình với quan điểm trên. "Sẽ là sai lầm nếu cố diễn giải chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc theo hướng phù hợp với quan điểm chính trị trong nước của Trump", Glaser nói.
Trong khi việc tái khởi động quan hệ giữa hai cường quốc ngày càng khó xảy ra trong những tháng đầu tiên hậu bầu cử, dù ai thắng cử, giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đã sẵn sàng cho cả "kịch bản ác mộng": xung đột vũ trang với Mỹ. Họ dẫn chứng một loạt các cuộc tập trận lớn cùng các quan điểm cứng rắn của Trung Quốc nhằm vào Mỹ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Anh Ma Zhengang bày tỏ tin tưởng Trung Quốc đã sẵn sàng cho các kịch bản liên quan đến bầu cử Mỹ, trong đó tập trung nhiều hơn vào mối quan hệ song phương trong tương lai thay vì tranh chấp trong quá khứ. "Sẽ rất khó tin rằng Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu trong một cuộc chiến mà họ không chuẩn bị kỹ hoặc không tự tin giành chiến thắng", Ma nói.
Theo Ma, việc Trump tái đắc cử chưa hẳn đã là điều tồi tệ đối với Trung Quốc bởi vai trò của Trump trong việc làm suy yếu mối quan hệ với các đồng minh cũng như năng lực dẫn dắt toàn cầu của Washington.
"Tôi không cho rằng sẽ có sự thay đổi cơ bản nào trong quan hệ song phương cũng như chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sau bầu cử bởi điểm mấu chốt đối với sự thù địch giữa hai bên chính là sự chuyển dịch cán cân cân bằng quyền lực giữa hai cường quốc. Trump đã rút lui khỏi vũ đài quốc tế và để lại cho Trung Quốc một khoảng trống cần lấp đầy. Trump đã gây rất nhiều tổn hại cho sự lãnh đạo của Mỹ, các tổ chức quốc tế, các đồng minh. Nói cách khác, ông ấy đang đẩy nhanh sự suy yếu của Mỹ", Ma, người từng là chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, một cơ quan của chính phủ ở Bắc Kinh, nói.
Nhiều chuyên gia tin rằng Trung Quốc muốn Trump tái đắc cử bất chấp sự hỗ loạn và bất ổn ngắn hạn. Và Bắc Kinh đang kiềm chế đưa ra những bình luận liên quan đến cuộc bầu cử trong đó có việc họ mong muốn ai trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 30/10 đã né tránh yêu cầu bình luận về cuộc tranh luận tổng thống Mỹ. Ông nhắc lại quan điểm của giới chức Trung Quóc rằng: "Chúng tôi không quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và mong muốn họ dừng việc coi Trung Quốc là vấn đề liên quan đến bầu cử".
Gennady Rudkevich, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Georgia cho rằng chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Trump đã khiến Mỹ đối đầu với nhiều đối tác tiềm năng, làm suy yếu vị thế của nước này trên thế giới. Trump rút khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.
"Về dài hạn, Trung Quốc hưởng lợi nếu Trump nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa. Nhưng về ngắn hạn, Trung Quốc có thể không thích đối phó với một nước Mỹ hiếu chiến và khó đoán", ông nói.
Philippe Le Corre, nghiên cứu viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định Trung Quốc đón nhận thắng lợi bầu cử của Trump năm 2016 như thất bại của nền dân chủ phương Tây trong việc đối phó với những vấn đề toàn cầu trong thế kỷ 21. "Giờ dịch bệnh Covid-19 đã lan khắp thế giới..., giới chức Trung Quốc đang tuyên truyền rất mạnh về tính ưu việt của mô hình Bắc Kinh so với mô hình Washington", ông Le Corre nói.
Robert Sutter, Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Washington cho rằng Bắc Kinh thậm chí lo ngại nhiều hơn trước bình luận của Biden về vai trò lãnh toàn cầu của Mỹ và mối quan hệ với các đồng minh. Chính sách đối với Trung Quốc của Biden sẽ hiệu quả hơn bởi Biden ưu tiên hợp tác với các đồng minh và đối tác để đối phó với những thách thức từ trung Quốc. "Trung Quốc sẽ phải lo lắng về Biden hơn so với Trump", Sutter nói.
Trong khi đó, các nước láng giềng với Trung Quốc đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử. Họ nhận thức rõ rằng số phận quan hệ Mỹ - Trung sẽ tạo ra một chuỗi phản ứng trong khu vực vốn đã bị kẹt giữa hai cường quốc.
Tanvi Madan, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings, cho rằng bầu cử Mỹ sẽ gây ra những hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng bởi nó sẽ quyết định quan điểm của Mỹ với Trung Quốc cũng như sự can dự của Mỹ đối với những vấn đề nóng trong khu vực, trong đó có căng thẳng biên giới Trung - Ấn.
"Delhi sẽ cân nhắc sự lựa chọn của người Mỹ trong ngày 3/11 có ý nghĩa gì đối với quyền lực và mục tiêu của Mỹ bởi điều này sẽ quyết định đến việc Bắc Kinh sẽ hành động như thế nào trong khu vực và trên thế giới", Madan nhận định trong phần bình luận của tờ The Indian Express ngày 2/11.
Tuy nhiên, theo giáo sư Sutter, bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ sẽ khó có thể diễn ra nhanh chóng. "Nếu Biden muốn có những bước đi cơ bản để dàn xếp với Trung Quốc, ông ấy sẽ phải chờ đợi. Ở thời điểm này, phe cứng rắn vẫn đang chiếm ưu thế", Sutter nói.
Khánh An (Theo SCMP)