"Sự gia tăng số lượng giàn khoan chắc chắn sẽ đánh mạnh vào tinh thần của Việt Nam và Philippines", Global Times dẫn lời Zhuang Goutu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn, nói. Ông ta gọi việc điều động giàn khoan của Trung Quốc là một "bước đi chiến lược".
Nhận định của ông Zhuang được đưa ra sau khi Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo di chuyển giàn khoan Nam Hải 9, trên Biển Đông từ ngày 18 đến 20/6. Nam Hải 9 là chiếc lớn thứ hai trong số các giàn khoan của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Vị trí mới của Nam Hải 9 nằm trên thềm lục địa Trung Quốc, phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
"Tọa độ này gợi ý rằng vị trí cuối cùng sẽ nằm gần hoặc ngay trên đường cách đều giữa Việt Nam và đảo Hải Nam", New York Times dẫn lời bà Holly Morrow, nhà nghiên cứu chương trình địa chính trị vì năng lượng thuộc Đại học Harvard, nói. Theo bà Morrow, bằng việc đưa thêm giàn khoan, có thể Trung Quốc muốn nhấn mạnh quan điểm tất cả các hoạt động khoan dầu đều là bình thường.
Theo Diplomat, giàn khoan Nam Hải 9 sẽ không khiêu khích Việt Nam với quy mô như Hải Dương 981 hồi đầu tháng 5. Tuy nhiên, thời điểm Trung Quốc thông báo về hoạt động này khá là bất thường, khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì vừa ở Hà Nội để thảo luận về vấn đề với các quan chức Việt Nam, nhằm đưa quan hệ song phương trở lại bình thường.
Trung Quốc di chuyển thêm ba giàn khoan
MSA còn thông báo đang di chuyển thêm ba giàn khoan dầu trên Biển Đông. Trong đó, giàn khoan Nam Hải 2 và Nam Hải 5 sẽ được điều động tới khu vực nằm giữa miền nam Trung Quốc và chuỗi đảo có tên quốc tế là Pratas, Trung Quốc gọi là Đông Sa, hiện do Đài Loan chiếm đóng. Giàn khoan Nam Hải 4 được kéo về gần bờ biển Trung Quốc, Reuters cho hay.
MSA không cung cấp tên đơn vị chủ sở hữu ba giàn khoan và nói rằng chúng sẽ tới vị trí vào ngày 12/8.
CNOOC thông báo công ty có 4 dự án mới dự kiến triển khai tại vùng biển phía tây và phía đông Biển Đông trong nửa cuối năm 2014.
Hiện vẫn chưa rõ các giàn khoan trên có nằm trong những dự án này hay không. Phát ngôn viên CNOOC từ chối bình luận nhưng cho biết rằng công ty này từ lâu đã muốn thúc đẩy sản xuất, thăm dò ở những vùng nước sâu ngoài khơi Trung Quốc. CNOOC tuyên bố sẽ tăng một phần ba ngân sách thường niên cho năm 2014, lên gần 20 tỷ USD.
CNOOC hồi đầu tháng 5 đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào hạ đặt gần quần đảo Hoàng Sa, sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngang nhiên thực hiện hoạt động thăm dò. Trung Quốc luôn duy trì hàng trăm tàu, máy bay, trong đó có cả tàu và máy bay quân sự, tàu cá vỏ sắt hộ tống giàn khoan, cản trở lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam làm nhiệm vụ. Các lực lượng của Trung Quốc còn hung hăng, đâm va, phun vòi rồng... làm hư hỏng nhiều tàu và làm bị thương nhiều kiểm ngư viên của Việt Nam.
Việc làm của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng tới quyền chủ quyền của Việt Nam. Hà Nội đã ba lần gửi công hàm thông báo rõ tình hình tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, đại diện các nước và tổ chức quốc tế. Việt Nam có trên 30 cuộc giao thiệp ở các cấp và các kênh khác nhau, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống nhằm tạo một môi trường thuận lợi cho đối thoại. Trung Quốc không những không đáp ứng tích cực yêu cầu của Việt Nam cũng như kêu gọi của cộng đồng quốc tế, mà còn tiếp tục những hành vi sai trái.
Trung Quốc đơn phương đưa ra yêu sách đường 9 đoạn để tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, chồng lấn với 4 quốc gia ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Căng thẳng trên Biển Đông lên cao trong thời gian gần đây khi Bắc Kinh có những động thái ngày càng mạnh nhằm khẳng định chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích vùng biển này.
Như Tâm - Trọng Giáp