Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay thông báo nước này trừng phạt 4 thực thể và 9 cá nhân tại Anh, bao gồm cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith và Ủy ban Nhân quyền đảng Bảo thủ, cáo buộc họ "lan truyền dối trá và đưa tin sai lệch một cách ác ý".
Những cá nhân khác bao gồm các nghị sĩ Tom Tugenhadt, Nus Ghani, Tim Loughton và David Alton, cùng một số luật sư và học giả. Ba thực thể bị trừng phạt là Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc, Tòa án Duy Ngô Nhĩ, một tòa án độc lập ở Anh, và nhóm luật sư Essex Court Chambers.
"Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của mình, đồng thời cảnh báo phía Anh không lún sâu vào con đường sai lầm. Nếu không, Trung Quốc sẽ đưa ra thêm những phản ứng quyết liệt", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Theo lệnh trừng phạt, các cá nhân bị nhắm mục tiêu và thành viên gia đình trực hệ của họ bị cấm nhập cảnh Trung Quốc. Các công dân và tổ chức tại Trung Quốc cũng không được phép hợp tác làm việc với họ.
Động thái của Trung Quốc được cho là nhằm trả đũa một loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada, với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Trước đó, Bắc Kinh đã trừng phạt 10 cá nhân và 4 cơ quan châu Âu, cáo buộc lệnh trừng phạt của EU là can thiệp vấn đề nội bộ của họ. Đáp lại, một loạt nước EU, bao gồm Đức, Pháp, Italy, đã triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối động thái bị coi là "gây căng thẳng không cần thiết" này.
Các nhà hoạt động và chuyên gia Liên Hợp Quốc cho rằng ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ, cùng những người thuộc các nhóm thiểu số chủ yếu là Hồi giáo khác, đã bị giam trong các "trại cải huấn" ở Tân Cương và bị ngược đãi.
Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần phủ nhận tất cả cáo buộc, khẳng định những trung tâm đào tạo nghề được thành lập nhằm chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cực đoan trong khu vực, đồng thời giúp người Duy Ngô Nhĩ hòa nhập xã hội.
Ánh Ngọc (Theo Guardian)