Tàu hải cảnh "Quái thú" có số hiệu 3901, lượng giãn nước 12.000 tấn, được trang bị pháo bắn nhanh 76 mm, hai pháo nhỏ hơn và hai súng máy phòng không, theo các nguồn tin giấu tên và các bức ảnh đăng tải trên mạng được tờ Global Times của nước này dẫn lại. Con tàu này còn có một bãi đáp trực thăng và một khoang đủ khả năng chứa các trực thăng hạng nặng.
Theo Collin Koh Swee Lean, học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Jajaratnam ở Singgapore, các tàu hải cảnh Trung Quốc có số hiệu bắt đầu bằng số 2 sẽ được bàn giao cho lực lượng hải cảnh trên biển Hoa Đông, còn những tàu có số hiệu bắt đầu bằng số 3 sẽ được triển khai xuống Biển Đông.
Đây là chiếc thứ hai trong đội tàu hải cảnh khổng lồ của Trung Quốc, và cũng là những tàu hải cảnh lớn nhất thế giới. Một tàu tương tự đã được đưa vào biên chế và hoạt động trên biển Hoa Đông vào năm ngoái, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản tại nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo giới phân tích, với việc trang bị pháo hạm cỡ lớn, các tàu này ngày càng xóa nhòa ranh giới giữa lực lượng hải cảnh và hải quân Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những sự cố và xung đột bất ngờ trên biển.
Theo Ryan Martinson, chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, Trung Quốc đang gắn vũ khí cỡ lớn cho cái gọi là "hạm đội tàu vỏ trắng", những tàu hải cảnh trước đây chủ yếu chỉ trang bị còi hú và vòi rồng.
Trong một bài báo đăng trên Diplomat, ông Martinson cho rằng, các tàu hải cảnh Trung Quốc có thiết kế khá giống với tàu khu trục hải quân, bởi chúng có thể lắp thêm tháp pháo và tên lửa khi nổ ra xung đột, và có khả năng sống sót cũng như chiến thắng trong bất kỳ cuộc đối đầu nào trên biển. Các trang thiết bị thông tin liên lạc và bộ phận cảm biến hiện đại trên những tàu này giúp cải thiện đáng kể khả năng nhận biết tình huống trong khu vực hoạt động.
Tàu "Quái thú" còn lớn hơn nhiều tàu của hải quân Mỹ trong khu vực và có thể khiến Lầu Năm Góc phải đau đầu tìm cách đối phó, bởi tàu hải cảnh không cần tuân theo Quy ước Chạm trán bất ngờ trên biển vốn được hải quân Mỹ - Trung ký kết hồi tháng 4/2014.
"Các chỉ huy hải quân Mỹ giờ đây phải chuẩn bị cho khả năng xảy ra các vụ chạm trán với tàu hải cảnh cỡ lớn trang bị pháo hạm của Trung Quốc trên biển. Đây là một viễn cảnh không dễ chịu chút nào vì các tàu hải cảnh này lớn hơn hầu hết các tàu chiến mặt nước của Mỹ", theo Martinson.
Khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Lassen từng được Mỹ sử dụng cho hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, có lượng giãn nước 9.700 tấn, thấp hơn khá nhiều so với "Quái thú". Tàu "Quái thú" cũng có lượng giãn nước gần gấp đôi hai tàu lớn nhất của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.
"Với những nhiệm vụ do lực lượng hải cảnh Trung Quốc đảm nhiệm, kích cỡ tàu đóng vai trò then chốt quyết định khả năng thực thi. Khi các tàu có sự chênh lệch lớn về kích cỡ, tàu lớn hơn có thể đâm va, húc văng các tàu khác một cách dễ dàng", chuyên gia Martinson nói.
Một nghiên cứu của Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 4 năm ngoái cho thấy hạm đội Nam Hải phụ trách khu vực Biển Đông của hải quân Trung Quốc có tổng cộng 116 tàu chiến, lớn nhất trong số ba hạm đội của Trung Quốc. Trung Quốc còn có hơn 200 tàu hải cảnh trên 500 tấn, trong đó có nhiều chiếc cực lớn trên 1.000 tấn. Đội tàu hải cảnh của Trung Quốc lớn hơn tất cả các tàu chấp pháp khác của các nước có tranh chấp chủ quyền với họ ở châu Á gộp lại.
"Trung Quốc có lợi thế rất lớn. Bất cứ lúc nào họ cũng áp đảo về số lượng, và trong một số hoàn cảnh, số lượng mới là yếu tố quyết định chứ không phải chất lượng", ông Sam Bateman, cố vấn tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết.
Với lợi thế về số lượng, tàu hải cảnh và tàu cá vũ trang Trung Quốc thường xuyên áp dụng chiến thuật bao vây, đâm va để gây sức ép với tàu cá và tàu chấp pháp của các nước khác hoạt động trên Biển Đông, đặc biệt là tại các khu vực có tranh chấp chủ quyền. Một số học giả Trung Quốc tuyên bố trên báo chí nước này rằng đâm va là chiến thuật hiệu quả nhất trong các cuộc đối đầu trên biển mà không làm tình hình leo thang đến mức phải sử dụng biện pháp quân sự.
Trung Quốc đơn phương áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý với hơn 80% diện tích Biển Đông. Gần đây, Bắc Kinh đã bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên nhiều bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã kiên quyết phản đối các hành động phi pháp này của Trung Quốc.
Duy Sơn