Theo tài liệu nộp lên sàn chứng khoán của China Minmetals Rare Earth Co, mảng khai khác đất hiếm của các công ty quốc doanh China Minmetals Corp, Aluminum Corp. of China và Ganzhou Rare Earth Group Co. sẽ được sáp nhập. CCTV cho biết công ty mới sẽ có tên China Rare-Earths Group (Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc), nhằm tăng tốc khai thác ở miền Nam.
Hồi tháng 9, Bloomberg đưa tin Trung Quốc lên kế hoạch tạo ra 2 gã khổng lồ, một ở miền Bắc và một ở miền Nam. Trung Quốc hiện kiểm soát phần lớn sản lượng đất hiếm được khai thác trên thế giới. Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, được sử dụng trong mọi sản phẩm, từ smartphone đến máy bay chiến đấu.
Động thái này nhằm phân phối tài nguyên tốt hơn, hiện thực hóa phát triển xanh và nâng cấp quá trình xử lý đất hiếm, CCTV cho biết. Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Quốc gia sẽ nắm 31,21% cổ phần trong công ty mới. Chinalco, China Minmetals và Ganzhou Rare Earth Group sẽ nắm mỗi bên 20,33%.
"Đây là một phần kế hoạch tái định vị ngành công nghiệp này của Trung Quốc nhằm hỗ trợ chuỗi cung ứng cho quá trình điện khí hóa trong những năm tới. Nó cũng là sự công nhận rằng chuỗi cung ứng là chìa khóa cho thành công trong thập kỷ tới", Jim Litinsky – CEO MP Materials – công ty duy nhất của Mỹ sản xuất đất hiếm cho biết, "Đây là điều tuyệt vời cho cả ngành công nghiệp. Tôi nghĩ phương Tây đang ngày càng nhận ra họ cần một chuỗi cung ứng của riêng mình".
Dù vậy, việc Trung Quốc thống trị ngành này đang ngày càng gây lo ngại. Đất hiếm trở thành tâm điểm chú ý năm 2019, khi Trung Quốc cân nhắc siết xuất khẩu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ - nước phải nhập khẩu tới 80% đất hiếm từ Trung Quốc. Dù việc này cuối cùng không thành hiện thực, nó cũng cho thấy rủi ro khi quá phụ thuộc vào một quốc gia khác. Nhiều nền kinh tế phương Tây sau đó thông báo sẽ tăng tự chủ về đất hiếm.
Trước khi sáp nhập, Bắc Kinh đã tái cấu trúc ngành này và tạo ra 6 công ty được cấp phép hoạt động năm 2016. Chính phủ nước này hiện kiểm soát việc sản xuất, cấp quota hàng năm cho các công ty. Năm nay là 168.000 tấn.
Giá đất hiếm năm nay tăng vọt do nhu cầu vượt quá nguồn cung. Việc thiếu hụt điện càng khiến quá trình sản xuất gián đoạn. Giá cả hàng hóa tăng nói chung cũng kéo chi phí sản xuất lên cao.
Hà Thu (theo Bloomberg)